12:05, 15/05/2019

Hệ lụy từ lạm dụng thức ăn nhanh

Hiện nay, các loại đồ "ăn nhanh, ăn liền" ngày càng trở nên phổ biến, các cửa hàng "fastfood" cũng đua nhau mọc lên rất nhiều, nó phù hợp với cuộc sống hiện đại, khẩn trương.

Hiện nay, các loại đồ “ăn nhanh, ăn liền” ngày càng trở nên phổ biến, các cửa hàng “fastfood” cũng đua nhau mọc lên rất nhiều, nó phù hợp với cuộc sống hiện đại, khẩn trương.
 
Nhưng nếu lạm dụng đồ ăn nhanh, fastfood sẽ không có lợi, thậm chí còn có hại cho sức khỏe.
 
Lợi thế của thức ăn nhanh (fast food) không ai phủ nhận, nhưng mặt trái của chúng lại dễ bị bỏ qua. Dưới đây là 4  hệ lụy điển hình vừa được khoa học kiểm chứng…
 
Làm suy giảm hệ vi khuẩn đường ruột
 
Rất nhiều nghiên cứu về vi khuẩn sống trong hệ tiêu hoá của con người đã và đang được thực hiện phát hiện thấy thức ăn nhanh làm suy giảm hệ vi khuẩn. Hệ vi sinh đường ruột giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, giúp cân bằng tâm trạng, tăng cường miễn dịch, ngăn chặn một số bệnh như hội chứng ruột kích thích, hay chứng bệnh có tên “rò rỉ ruột”. Theo giáo sư dịch tễ và di truyền học Tim Spector ở tại ĐH King’s College, London (Anh), nếu duy trì chế độ thức ăn nhanh thường xuyên thì một trong những hệ lụy đầu tiên là làm suy giảm hệ vi khuẩn đường ruột. Kết luận này của Tim Spector dựa trên nghiên cứu được ông thực hiện ngay chính con trai của mình. Con Tim Spector không ăn gì ngoài thức ăn nhanh trong 10 ngày, sau đó được kiểm tra mức độ hoạt hóa của vi khuẩn đường ruột. Kết quả, hệ thống tiêu hóa không chỉ mất đi phần lớn các vi khuẩn thân thiện, mà còn mất hầu hết các loài vi khuẩn nói chung, khoảng 1.400 loài bỗng dưng biến mất.
 
Chỉ trong 10 ngày, với 1.400 loài, chiếm khoảng 40% lượng vi khuẩn chung trong ruột đã bị biến mất. Nếu thời gian kéo dài thêm nữa thì hệ vi sinh này sẽ dẫn đến cạn kiệt, nguy cơ mắc bệnh nan y là điều khó tránh khỏi…

 

Thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.

 

Gia tăng nguy cơ trầm cảm
 
Những năm gần đây, khi xã hội phát triển, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm càng tăng. Lý do rất nhiều, thậm chí cả những điều con người chưa ngờ tới nên hiệu quả điều trị vẫn còn thấp. Nhiều nghiên cứu thực hiện gần đây cho thấy, thức ăn nhanh và một số loại thức ăn vặt khác có đóng góp không nhỏ. Theo một nghiên cứu ở 8.954 người do Đại học Las Palmas de Gran Canaria và Đại học Granada ở Tây Ban Nha tiến hành và công bố mới đây, khi lượng thức ăn nhanh tăng lên thì mức độ trầm cảm lại càng trầm trọng. Cụ thể, những người tiêu thụ thức ăn nhanh thì tỷ lệ bị trầm cảm tăng tới 51% so với nhóm không dùng thực phẩm này. Trầm cảm được chẩn đoán thường có các dấu hiệu điển hình như xuất hiện cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn thấy mệt mỏi, không muốn làm việc gì, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cáu giận, luôn nghĩ về cái chết, có ý suy nghĩ hoặc hành vi tự sát….
 
Nghiên cứu còn tham khảo dữ liệu từ các nghiên cứu khác, nhưng không ai chắc chắn thức ăn nhanh gây ra mối tương quan lớn giữa tiêu dùng và trầm cảm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, các chất dinh dưỡng mà thức ăn nhanh bỏ lỡ (như các axit béo omega-3) có tác dụng giúp điều chỉnh tâm trạng và mối liên quan giữa vi khuẩn đường với tâm trạng… là thủ phạm làm gia tăng bệnh trầm cảm ở nhóm ăn nhiều thực phẩm này. Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học đề xuất, thay vì dùng đơn thuốc chống trầm cảm, nhóm người sống nhờ thức ăn nhanh có thể chuyển sang các món ăn tự chế biến tươi sống và thêm một giờ nghỉ sau bữa ăn trưa sẽ có tác dụng giảm bệnh.
 
Tăng nguy cơ hen suyễn
 
Hiện có khoảng 26 triệu người Mỹ bị bệnh hen suyễn, khoảng 7 triệu trong số này là trẻ em. Các yếu tố gây bệnh ở mỗi người không đồng, như do luyện tập thể thao, do căng thẳng, dị ứng thực phẩm, ô nhiễm không khí…. Theo một nghiên cứu quy mô lớn về hen suyễn có tên Nghiên cứu Quốc tế về bệnh suyễn và dị ứng ở trẻ em (ISAC), các nhà khoa học đã xem xét tiền sử bệnh tật của 500.000 trẻ em thuộc 31 quốc gia. Mục đích là để tìm hiểu xem điều gì làm cho trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị hen suyễn, tìm ra mối liên quan giữa thức ăn nhanh và hiện tượng khó thở ở nhóm dùng thực phẩm này. Cụ thể, chỉ cần ăn 3 bữa thức ăn nhanh/tuần thì nguy cơ mắc bệnh suyễn tăng tới 27% ở trẻ em và 39% ở nhóm thanh thiếu niên. Không chỉ có hen suyễn, mà thức ăn nhanh còn được xem là nhóm thực phẩm duy nhất có tác động tiêu cực tới hệ thống hô hấp của con người.
 
Tuy chưa “nhận mặt chỉ tên” hết các nguyên nhân gây bệnh của thức ăn nhanh, nhưng các nhà khoa học cho rằng chất béo bão hòa có trong thức ăn nhanh là thủ phạm nặng ký. Nó gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực như làm suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng dị ứng và hen suyễn.
 
Tăng nguy cơ kháng insulin
 
Cơ chế kháng insulin xảy ra khi tế bào ngừng hấp thụ glucose từ dòng máu, lúc này cơ thể cần tới nhiều insulin hơn để duy trì cơ thể làm tốt các chức năng vốn có. Kháng insulin là dấu hiệu đầu tiên phát triển thành bệnh đái tháo đường, căn bệnh nghe qua nhiều người đã thấy ớn ngại.
 
Năm 2005, các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Minnesota (UoA) Mỹ đã kết thúc một nghiên cứu dài 15 năm để tìm hiểu mối liên quan giữa thức ăn nhanh và kháng insulin. Kết quả, chỉ cần ăn hai bữa thức ăn nhanh một tuần trong thời gian 15 năm thì có thể sẽ tăng thêm 0,9kg trọng lượng và mức độ đề kháng insulin tăng gấp đôi. Đó mới chỉ 2 bữa/tuần, nếu cao hơn thì mức kháng insulin lại càng lớn. Đây chính là lý do tại sao từ giữa năm 1980 đến năm 2002, tại Mỹ, số ca kháng insulin ở người lớn đã tăng gấp đôi, còn ở nhóm 11-18 tuổi, tỷ lệ này tăng tới 10 lần.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống