10:05, 14/05/2019

Làm giàu từ nuôi trâu

Không lựa chọn những vật nuôi phổ biến như: gà, heo, bò…, Hội Phụ nữ xã Diên Lộc (huyện Diên Khánh) đã chọn con trâu là đối tượng nuôi để thành lập Tổ phụ nữ khởi nghiệp. Nhờ lựa chọn ít "đụng hàng" đó, mô hình khởi nghiệp đã đem lại hiệu quả cao...

Không lựa chọn những vật nuôi phổ biến như: gà, heo, bò…, Hội Phụ nữ xã Diên Lộc (huyện Diên Khánh) đã chọn con trâu là đối tượng nuôi để thành lập Tổ phụ nữ khởi nghiệp. Nhờ lựa chọn ít “đụng hàng” đó, mô hình khởi nghiệp đã đem lại hiệu quả cao...


Thời nay, không ai còn dùng trâu làm sức kéo nhưng giá trị của vật nuôi này đối với các hộ dân ở thôn Đảnh Thạnh (xã Diên Lộc) vẫn còn nguyên, thậm chí còn là tài sản lớn của các gia đình. Bởi nhờ nuôi trâu mà nhiều hộ đã thoát nghèo, nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang…

 

Đàn trâu của gia đình chị Lê Thị Bích Nhạn.

Đàn trâu của gia đình chị Lê Thị Bích Nhạn.


Chị Lê Thị Bích Nhạn - hội viên Tổ phụ nữ khởi nghiệp chia sẻ, gia đình chị vốn là hộ cận nghèo, quanh năm chỉ dựa vào mấy sào ruộng, trong khi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, chi phí học hành nhiều. Cách đây hơn 4 năm, chị được vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm 2 con trâu cái để nuôi. Hàng ngày, vợ chồng chị thay nhau lùa trâu chạy đồng, làm ruộng. Hiện nay, chị đã có đàn trâu 12 con. Thời gian qua, nhờ đàn trâu (trị giá khoảng 26 triệu đồng/con), gia đình chị đã thoát nghèo, nuôi 2 con lớn học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, con út học lớp 12. Chị Nhạn cho biết: “Đàn trâu là tài sản lớn nhất của gia đình tôi, để dành vào những việc cần trang trải chi phí lớn. Năm trước, nhờ bán trâu và một phần tiền tiết kiệm, gia đình tôi cũng xây được căn nhà khang trang, kiên cố”.


Là hội viên có đàn trâu tương đối lớn trong Tổ phụ nữ khởi nghiệp, bà Lê Thị Can hiện có 17 con trâu lớn nhỏ, trong đó có gần chục con trâu cái đang sinh sản. Bà cho biết, mỗi năm đàn trâu của bà lại có thêm 8 - 9 con nghé, nuôi được gần 1 năm xuất bán cũng thu được hơn 200 triệu đồng. Gia đình bà nhờ vào nguồn thu từ bán trâu để xây dựng nhà và mua đồ nội thất gần 500 triệu đồng. Đây là điều không phải hộ nào cũng làm được ở vùng thuần nông này.  


Được biết, hiện trong thôn có 13 hộ nuôi trâu với tổng đàn trâu có khi lên đến vài trăm con. Cứ 6 giờ sáng, các hộ lại lùa trâu chạy đồng, đi xuyên lên đồi núi cho trâu tắm ở các con suối nhỏ. Đến khoảng 5 giờ chiều, các hộ lại lùa trâu về chuồng được lập tập trung tại khu vực Gò Đồi nằm cách xa khu dân cư. Nói là chuồng nhưng thực tế chỉ là đóng cọc gỗ, vây lưới để nhốt trâu nên ít tốn chí phí của người nuôi. Trâu dễ nuôi, ít bệnh tật, ít công chăm sóc mà giá cả ổn định hơn các loại vật nuôi khác. Do đó, nuôi trâu đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ ở đây.  


Bà Nguyễn Thị Nguyên Trung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Lộc cho biết, năm 2018, hội thành lập Tổ phụ nữ khởi nghiệp từ nuôi trâu sinh sản. Sở dĩ hội chọn trâu là đối tượng nuôi để phát triển mô hình khởi nghiệp do địa phương có nhiều lợi thế phù hợp như: diện tích đất tự nhiên lớn, vừa có đồng ruộng là thức ăn tự nhiên cho trâu, có đồi núi, suối nhỏ để chăn thả; một số hộ có truyền thống nuôi trâu từ nhiều đời; trâu có giá trị kinh tế ổn định hơn các vật nuôi khác; nuôi nhốt tập trung cách xa khu dân cư nên không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân… Tổ hiện có 8 thành viên, giúp đỡ nhau chủ yếu về công lao động và vốn. Năm nay, hội phấn đấu phát triển thêm 2 hội viên mới. Do nuôi trâu mang lại hiệu quả kinh tế nên hiện nay, nhu cầu vốn vay để mua trâu giống, nhân đàn của các hội viên rất lớn. Tuy nhiên, các hộ sắp đến thời hạn trả vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thì sẽ không được vay nữa. Do đó, Hội Phụ nữ xã Diên Lộc kiến nghị huyện hội, tỉnh hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hội viên tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm với mức cao hơn (mức đang được cho vay là 20 triệu đồng) để nhân rộng quy mô đàn trâu.


MAI HOÀNG