10:03, 20/03/2019

Chính sách hỗ trợ nghề, làng nghề: Hiệu quả bước đầu

Sau hơn 1 năm triển khai chính sách hỗ trợ của tỉnh, các hộ làm nghề gốm ở thôn Trung Dõng (xã Vạn Bình) và làng nghề xoi Trầm hương (xã Vạn Thắng) bước đầu hoạt động hiệu quả. 
 

Sau hơn 1 năm triển khai chính sách hỗ trợ của tỉnh, các hộ làm nghề gốm ở thôn Trung Dõng (xã Vạn Bình) và làng nghề xoi Trầm hương (xã Vạn Thắng) bước đầu hoạt động hiệu quả. 
 
 
Trước đây, nghề gốm Trung Dõng phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với biến động thị trường, nghề gốm Trung Dõng dần mai một, hiện chỉ còn hộ bà Trần Thị Thu (thôn Trung Dõng 3) bám trụ. Bà Thu cho biết, trước đây tại địa phương có hơn 50 hộ làm nghề gốm. Thế nhưng, do thiếu trang thiết bị sản xuất, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với thị trường nên hầu hết các hộ trong làng đều bỏ nghề. Để duy trì nghề truyền thống này, bà Thu phải tính toán đầu tư máy móc cho các công đoạn sản xuất, bởi các thiết bị hiện có đã cũ, lạc hậu, năng suất thấp. Năm 2018, cơ sở sản xuất của bà Thu được nhận chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề, trong đó tỉnh hỗ trợ 60% chi phí, còn lại là vốn của gia đình. Đây là điều kiện thuận lợi, kịp thời đáp ứng nguyện vọng phát triển sản xuất của cơ sở. Đến nay, cơ sở sản xuất gốm của bà Thu đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị và thực hiện giải ngân tiền hỗ trợ mua máy nghiền đất chạy bằng điện trị giá hơn 100 triệu đồng. “Nhờ được hỗ trợ đầu tư máy móc, chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn và chất lượng tốt hơn, từ đó thu nhập cũng tăng lên”, bà Thu cho hay.

 

Chính sách hỗ trợ đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Đua  nâng cao chất lượng, sản lượng nhang trầm.
Chính sách hỗ trợ đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Đua nâng cao chất lượng, sản lượng nhang trầm.
 
 
Làng nghề xoi Trầm hương (xã Vạn Thắng) cũng được tỉnh hỗ trợ để phát triển sản xuất. Bà Nguyễn Thị Xuân Đua (thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng) cho biết, trong năm 2018, gia đình bà đã được nhận hỗ trợ của tỉnh để mua thêm máy móc, thiết bị làm nhang trầm gồm: máy trộn bột nhang, máy tạo hình sản phẩm, dàn phơi nhang trị giá hơn 100 triệu đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ 60%). Qua hơn 1 năm sử dụng, sản lượng sản phẩm nhiều hơn, đẹp hơn, mang lại thu nhập cao hơn trước đây.
 
Ông Phạm Trần Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, giai đoạn 2018 - 2020, làng nghề xoi Trầm hương tại xã Vạn Thắng được chương trình phát triển nghề, làng nghề của tỉnh hỗ trợ 2,7 tỷ đồng; trong đó, có 30 hộ làm nhang trầm được hỗ trợ 60% giá trị mua thiết bị, máy móc để phát triển nghề theo Thông tư 113 năm 2006 của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, qua chính sách này còn tổ chức đào tạo nghề cho hơn 140 lao động với kinh phí 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương còn được hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm từ Trầm hương với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 882 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương). Hiện nay, công trình được tiến hành thi công. Xã Vạn Thắng đang tiến hành thành lập hợp tác xã, xây dựng quy chế của nhà trưng bày sản phẩm làng nghề để hoạt động. Qua đó, thực hiện tốt công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm làm từ Trầm hương.
 
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề bước đầu đã giúp các hộ sản xuất có điều kiện phát triển. Bên cạnh nâng cao năng suất, chất lượng, các làng nghề còn có cơ hội để quảng bá, đưa sản phẩm truyền thống đến với người tiêu dùng. Từ đó, góp phần phát triển bền vững các nghề, làng nghề và gìn giữ văn hóa đặc trưng của địa phương. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung giám sát, đánh giá hiệu quả, từ đó nhân rộng ra nhiều hộ, tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân. 
 
Thanh Hải