05:01, 29/01/2019

Cà phê không chỉ đắng

Cà phê là thức uống mỗi ngày của nhiều người, giúp tăng khả năng làm việc, quán cà phê cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của mọi người. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị xoay quanh cà phê mà không phải ai cũng biết đến.

Cà phê là thức uống mỗi ngày của nhiều người, giúp tăng khả năng làm việc, quán cà phê cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của mọi người. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị xoay quanh cà phê mà không phải ai cũng biết đến.


Ngày nào cũng uống một ly cà phê trước giờ làm việc, nhưng chưa hẳn ai cũng biết cà phê mình đang uống là loại cà phê gì. Ngày cuối năm, trò chuyện với anh Lê Nhật Khang, chủ quán Nha Trang Roastery Coffee (56 Trần Bình Trọng, Nha Trang), chúng tôi được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới về loại đồ uống thông dụng này.

 

Pha chế Specialty coffee ở Le Cafe.

Pha chế Specialty coffee ở Le Cafe.


Nói về cà phê, anh Khang cho biết, không chỉ có vị đắng, mà còn có ngọt thanh, thơm mùi trái cây, socola... và nhiều loại mùi, vị khác. Cà phê cũng là từ trái cây mà ra, được rang lên để uống, nên tất nhiên, dù vị đắng có phần nổi trội, nhưng những mùi, vị của hoa quả vẫn còn đó. Nhiều năm về trước, vì chưa có nhiều kiến thức và kỹ thuật, nên cà phê ở Việt Nam thường được rang quá đậm, gần như bị cháy đen, các hương, vị bị mất đi hết. Bên cạnh đó, 95% cà phê được sử dụng ở thị trường là loại cà phê Robusta, có vị đặc trưng là đắng, vì vậy, trong quan niệm của người Việt, cà phê phải có vị đắng, nhưng thực ra, cà phê có rất nhiều hương vị. Thậm chí, có cả một bảng phân chia về hương vị của cà phê do Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới làm ra.


Được biết, ngoài Robusta, Việt Nam còn nổi tiếng với giống cà phê Arabica, được trồng ở độ cao trên 1.500m, phổ biến ở các vùng như Cầu Đất, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Điện Biên, Sơn La... Loại cà phê này chưa phổ biến nhiều ở các quán cà phê Việt Nam vì giá thành cao, gần gấp 3 cà phê Robusta. Đặc tính của loại cà phê này cũng nổi trội hơn nhiều, ví dụ như hàm lượng Caffein thấp hơn, thơm hơn, ngoài vị đắng còn có vị chua, ngọt...


Mời tôi một ly cà phê Arabica pha máy còn nóng hổi, đượm hương và vị đậm, hơi chua, không đắng lắm, anh Phạm Lê - chủ quán Le Cafe (đường Điện Biên Phủ, TP. Nha Trang) cho biết, với cà phê Arabica, nhiều người Việt Nam đang ở giai đoạn gần như là “tập uống” vì chưa quen với vị chua của nó. Trong khi người nước ngoài lại chuộng cà phê Arabica, còn Robusta thường được sử dụng để làm phụ liệu cho các thực phẩm khác. Theo anh Lê, cà phê Robusta được dùng thông dụng để pha cà phê phin theo cách của người Việt Nam, thì Arabica nhờ vào sự phong phú về hương, vị của mình nên được pha chế nhiều cách khác nhau như pha máy để làm ra các món Espresso, Cappuccino, Latte... Đặc biệt nhất trong các cách pha chế đó, có những món thức uống được gọi là Specialty coffee...


 Specialty coffee lần đầu xuất hiện năm 1974 và đã thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Specialty coffee được biết đến trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tại Nha Trang, số quán cà phê có bán Specialty coffee chỉ mới dừng lại ở khoảng 3, 4 quán và khá kén khách. “Specialty Coffee có giá thành không hề rẻ, có loại lên đến cả chục triệu đồng/kg, đa phần được nhập khẩu từ Ethiopia, Kenya, Colombia...”, anh Lê Nhật Khang chia sẻ.


Specialty coffee còn phải được pha chế thủ công theo nhiều cách khác nhau, rất lạ lẫm với nhiều người. Như tại Nha Trang Roastery Coffee hay Le Cafe, chúng tôi biết đến các cách pha chế được gọi là Pour Over V60; Syphon; Aeropress... Mỗi cách pha chế đều có dụng cụ chuyên biệt để làm. Cà phê được xay ra, sau đó bằng các dụng cụ, người pha chế dùng nước sôi để chiết xuất theo một tỷ lệ và nhiệt độ nước nhất định mà theo mọi người, đó là bí quyết riêng nên không thể chia sẻ.


Sau một hồi tỉ mẩn chiết xuất cà phê từ một phễu sứ được gọi là V60, anh Phạm Lê đưa tôi thử một ly cà phê Ethiopia có màu hổ phách. Khác với cà phê thông thường, Specialty coffee có màu và vị nhạt hơn nhiều, nhưng hương lại rất thơm, người tinh ý có thể ngửi và phán đoán được các loại hương như hương quýt, cỏ xanh... Đặc biệt, loại cà phê này không uống với đường hay sữa.


“Specialty coffee còn rất mới mẻ với người Nha Trang. Tuy nhiên, khi uống quen rồi, khó lòng mà quay lại với cà phê truyền thống, mà lại... tốn thêm tiền vì nó không rẻ. Với người pha chế như chúng tôi, Specialty coffee là một nghệ thuật pha chế mà cần tìm tòi, học hỏi nhiều mới làm tốt được” - anh Lê dí dỏm.


Ngày cuối năm, có dịp lòng vòng phố biển, chúng tôi lại được biết thêm nhiều điều hết sức thú vị và mới mẻ về cà phê. Hóa ra, cà phê không chỉ là thức uống thông thường, với nhiều người uống Specialty coffee, đó còn là một nghệ thuật pha chế, giúp nâng tầm và giá trị của từng hạt cà phê được làm ra.


HẠ PHONG