11:02, 05/02/2018

Người rối loạn tiền đình tránh ăn gì?

Rối loạn tiền đình là chứng bệnh rất hay gặp, với biểu hiện chủ yếu là chóng mặt và buồn nôn hoặc nôn, đi đứng không vững.

Rối loạn tiền đình là chứng bệnh rất hay gặp, với biểu hiện chủ yếu là chóng mặt và buồn nôn hoặc nôn, đi đứng không vững.
 
Hệ thống tiền đình trong não giúp bạn duy trì cân bằng, giúp di chuyển tự do và đứng thẳng. Khi bị chóng mặt, những chức năng này bị đảo lộn. Nguyên nhân gây chóng mặt là chấn thương, đau nửa đầu, co giật và các vấn đề ở tai trong. Ngoài việc điều trị y tế, ăn uống đúng cách cũng góp phần cải thiện triệu chứng chóng mặt.
 
Thực phẩm gây chứng chóng mặt
 
Muối và các món ăn mặn như: khoai tây chiên, hạt nêm, thực phẩm đóng hộp, súp, mì ống, nước sốt, baking soda, gia vị, bột đông lạnh, dưa chua, salad trộn. Natri có trong muối gây mất cân bằng các khoáng chất cơ thể, làm giữ nước trong cơ thể và hình thành áp lực trong tai trong dẫn đến chóng mặt. Những người bị hội chứng Meniere, nguyên nhân chính gây ra chóng mặt, chỉ nên tiêu thụ khoảng 120mg muối mỗi ngày. Tốt nhất, không nên dùng quá một muỗng cà phê muối mỗi ngày.
 
Đường và chất thay thế đường, thực phẩm béo có hàm lượng đường cao như mật ong, kem, socola, siro, mứt, kem, bánh quy, nước trái cây, bánh rán, bánh ngọt, bánh quy và kẹo…; chất thay thế đường như aspartame và thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như phô mai, kem, mayonnaise, sữa, bơ, thịt, trứng, các món chiên rán làm tăng huyết áp tạm thời, làm giảm lưu lượng máu và ôxy đến não và có thể gây ra chóng mặt.
 
Thực phẩm chứa nhiều axit amin tyramine bao gồm rượu vang đỏ, thịt chế biến sẵn, xúc xích, thịt hun khói, gan gà, socola, sữa chua, trái cây có múi, chuối, quả sung, các loại hạt và phô mai. Các thực phẩm này làm giãn mạch máu gây nên chứng đau nửa đầu, có thể dẫn đến chóng mặt.
 
Đồ uống có cồn: tai trong có vai trò quan trọng duy trì sự cân bằng của cơ thể bằng cách phát hiện sự thay đổi vị trí và sự chuyển động của cơ thể, đồng thời gửi tín hiệu đến não để điều chỉnh thăng bằng cơ thể. Khi uống rượu, chức năng này bị phá vỡ, gửi tín hiệu chuyển động giả đến não tạo ra xung đột với tín hiệu từ tai trong. Hậu quả gây rối loạn cân bằng cơ thể và kích hoạt chứng chóng mặt.
 
Thực phẩm chứa kiềm: Magnesium giúp duy trì cân bằng acid-kiềm của cơ thể. Tiêu thụ thực phẩm có lượng canxi cao và dư thừa sẽ làm giảm lượng magnesium dẫn đến mất cân bằng acid - kiềm, gây buồn nôn kèm theo chóng mặt. Mặt khác, thiếu magnesium làm các mạch máu bị co lại, máu lưu thông chậm, dẫn đến thiếu ôxy não gây chóng mặt.
 
Caffeine gây mất cân bằng nước điện giải trong cơ thể, gây ra chứng Migraine và có thể gây chóng mặt.
 
Nicotine gây co mạch máu, vì vậy làm giảm cung cấp máu cho vùng tai trong. Nicotine cũng có thể làm tăng huyết áp tạm thời và có thể gây ra chóng mặt.

 

Người bị rối loạn tiền đình tránh uống cà phê và hút thuốc.
Người bị rối loạn tiền đình tránh uống cà phê và hút thuốc.
 
Người bị chóng mặt nên ăn uống thế nào?
 
Người bị chóng mặt nên có chế độ ăn uống giàu chất sắt, hạn chế cholesterol và natri; Ăn nhiều cá; Nên ăn thực phẩm giàu magiê như các loại đậu, rau lá xanh; Ăn các ngũ cốc thay vì bánh mì trắng; Uống nhiều nước để giữ nước, thay vì uống nước có ga hoặc đường; Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như niacin, kali và vitamin B; thực phẩm giàu sắt như rau quả tươi và thịt.
 
Tránh ăn các loại thực phẩm có chứa tyramine như thịt chế biến sẵn và xúc xích. Tránh dùng một số loại thuốc có thể gây chóng mặt: thuốc kháng acid chứa nồng độ natri cao sẽ làm ứ trệ nước, dẫn đến tích tụ dịch ở tai trong; thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể dẫn đến sự mất cân bằng điện giải và giữ nước; aspirin cũng có thể làm tồi tệ hơn hoặc gây ra chứng ù tai ở những người bị chóng mặt; thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống động kinh, thuốc kháng histamin và kháng sinh cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng chóng mặt. Tốt nhất, nên có chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào, nếu bạn có cơ địa dễ chóng mặt.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống