10:08, 04/08/2017

Xây dựng lại chợ Tu Bông: Chưa tìm được tiếng nói chung

Sau gần 30 năm hoạt động, chợ Tu Bông (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và nguy hiểm đến tính mạng của người dân. 

Sau gần 30 năm hoạt động, chợ Tu Bông (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Hiện nay, đã có doanh nghiệp xin đầu tư để xây dựng chợ mới, song mọi việc đang gặp khó khi tiểu thương và chủ đầu tư chưa tìm được tiếng nói chung.


Giá thuê cao


Được xây dựng từ những năm 1988, chợ Tu Bông đóng vai trò là chợ đầu mối cung cấp lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân các xã: Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Khánh và Vạn Thọ… Với diện tích hơn 8.400m2, chợ Tu Bông có gần 300 tiểu thương kinh doanh tại chợ. Hiện nay, cơ sở vật chất của chợ đã xuống cấp trầm trọng. Tại khu vực nhà lồng, mái che nhiều năm nay xiêu vẹo, dột nát. Các cột gỗ, kèo chống đỡ phía trên bị mối mọt ăn khá nhiều khiến chợ có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

 

Trước thực trạng chợ Tu Bông xuống cấp, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán và tính mạng của người dân, địa phương đã kiến nghị lên lãnh đạo cấp trên sớm đầu tư xây dựng chợ Tu Bông mới. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh cũng như người dân, song do điều kiện nguồn vốn khó khăn nên huyện đã xin tỉnh chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa và được chấp nhận. Tháng 10-2016, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có đơn xin đầu tư kinh doanh chợ Tu Bông. Hiện nay, nhà đầu tư này đã hoàn thiện hồ sơ dự án; phương án xây dựng lại chợ cơ bản đã được thông qua. Tuy nhiên, do chủ đầu tư đưa ra phương án thu hồi vốn trong thời gian ngắn nên giá thuê lô sạp đội lên khá cao, khiến các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ phản đối, dẫn đến việc xây dựng chợ chưa thể triển khai. Bà Nguyễn Thị Lệ Thơ - tiểu thương chợ Tu Bông cho hay: “Mỗi năm phải bỏ mấy chục triệu đồng để thuê lô sạp là quá cao nên chúng tôi chưa chấp nhận”.


Ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Phước cho biết: “Việc xây lại chợ cần phải sớm triển khai, bởi chợ cũ được đưa vào nhóm công trình nguy hiểm. Song, giá thuê sạp ban đầu đưa ra bình quân mỗi sạp khoảng 20 triệu đồng nên người dân chưa đồng tình. Giá này cao vì thời gian chủ đầu tư đề xuất thu hồi vốn trong vòng 15 năm. Hơn thế nữa, người dân lâu nay chưa quen với việc phải đóng tiền thuê sạp vì chợ này được Nhà nước bao cấp. Chủ trương xã hội hóa trong việc xây chợ là xu hướng tất yếu, người dân phải chấp nhận. Đổi lại, người dân sẽ được buôn bán trong chợ có điều kiện tốt, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa. Để trung hòa quyền lợi giữa các bên, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư giãn thời gian thu hồi vốn từ 15 năm lên 20 năm để tiền thuê lô sạp mà tiểu thương phải đóng hàng tháng giảm xuống, phù hợp với điều kiện kinh doanh. Đồng thời, địa phương cũng vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về việc xã hội hóa nhằm có sự đồng thuận trong xây dựng chợ”.

 

Chợ Tu Bông

Chợ Tu Bông

 

Tìm hướng giải quyết

 

Theo dự án, chợ Tu Bông mới sẽ tọa lạc trên khu đất rộng hơn 10.700m2, phần mở rộng so với chợ cũ xây dựng trên đất 5% do xã quản lý. Tổng mức đầu tư dự án chợ Tu Bông dự kiến gần 25 tỷ đồng. Chủ đầu tư trực tiếp xây dựng, kinh doanh và khai thác trong suốt thời gian Nhà nước cho thuê đất (49 năm). Chủ đầu tư sẽ điều hành, quản lý chợ và chi trả các chi phí hoạt động.

Ông Đặng Đại Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh xác nhận, đúng là việc người dân chưa đồng tình với giá thành thuê sạp đã khiến việc thi công chợ mới chưa thể tiến hành. Ngoài ra, hiện nay, còn 45% tiểu thương trong chợ chưa đồng tình với vị trí xây dựng chợ mới mà chủ đầu tư thiết kế. “Ngày 10-8, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh và xã Vạn Phước để họp dân thêm một lần nữa. Qua đó, chúng tôi trình bày các phương án thu hồi vốn mới để người dân đóng góp ý kiến cũng như trình bày nguyện vọng của mình. Hiện nay, theo mức thu hồi vốn trong vòng 15 năm thì bình quân mỗi hộ kinh doanh phải đóng khoảng 20 triệu đồng/ki-ốt/năm. Nhưng nếu điều chỉnh kéo dài lên 20 năm thì mỗi năm tiểu thương chỉ phải đóng khoảng 15 triệu đồng/ki-ốt. Đây là mức giá phù hợp với đa số tiểu thương trong chợ”, ông Thắng cho hay.

 
Ông Trần Thanh Đức - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh cho biết thêm: “Để tháo gỡ những vướng mắc, ngoài các biện pháp trên, hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu thêm nhiều phương án khác với mục đích làm hài hòa quyền lợi của các bên. Trong đó, sẽ đề nghị các cấp hỗ trợ thêm cho chúng tôi kinh phí làm đường giao thông vào chợ. Ngoài ra, đây là dự án được ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong, do đó kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Quỹ đầu tư phát triển tỉnh xem xét cho chúng tôi vay một phần vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hạ giá thành thuê sạp xuống”.


Đình Lâm - Khánh An