04:10, 01/10/2011

Chị em bạn dâu

Cùng phận làm dâu, là thành viên trong một đại gia đình nhưng mối quan hệ chị em bạn dâu không phải lúc nào cũng tốt đẹp…

Cùng phận làm dâu, là thành viên trong một đại gia đình nhưng mối quan hệ chị em bạn dâu không phải lúc nào cũng tốt đẹp…

1. Thanh Tâm mới về làm dâu nhà chồng được gần nửa năm. “Lạ nước lạ cái”, từ Ninh Hòa chuyển ra Nha Trang sinh sống nên chưa tìm được việc làm, vì vậy cô chỉ ở nhà lo chuyện cơm nước. Bố mẹ chồng của Tâm sống khá thoáng, rất thương dâu mới nên Tâm cảm thoải mái và dễ chịu. Tuy vậy, cô chỉ hơi “ớn” bà chị dâu hơn mình vài tuổi. Nhà chồng cô có hai người con trai, cùng ở chung một nhà. Đất rộng nên vợ chồng ông anh đầu được bố mẹ chia cho một lô, xây nhà ở phía sau, còn vợ chồng Tâm sống cùng các cụ. Tâm thấy mọi người trong nhà ai cũng vui vẻ, dễ gần, chỉ có bà chị dâu lúc nào cũng mặt lạnh như tiền, hay cáu gắt, khó chịu. Tâm có cảm giác như bà chị dâu không ưa cô nên thường nói xiên nói xẹo, bóng gió. Có lần, trong lúc cùng phụ nấu đám giỗ, bà chị dâu sẵn dịp “lên lớp” Tâm: “Cô là sướng nhất nhà đấy! Chẳng phải đi làm khổ cực như tôi mà vẫn cơm ngày ba bữa, lại được mẹ chồng chiều chuộng đủ điều. Người xưa nói có sai “mồm miệng đỡ tay chân”, người khéo nịnh thì “nói ngọt nó lọt đến xương” mà! Nhà này đã đâu vào đấy rồi, cô đừng có tưởng bở mà dụ dỗ ông bà già giao hết của cải của cho vợ chồng cô nhé!”. Mới đầu, Tâm rất bực. Sau này, cô mới biết, hóa ra bà chị dâu không muốn ở phần đất phía sau, sợ vợ chồng Tâm sau này chiếm đất mặt tiền nên suốt ngày đốc thúc chồng bảo các cụ làm di chúc cho rõ ràng để “vợ chồng con Tâm khỏi phải giành gian nhà trước”. Biết tính chị dâu hay so đo, cạnh khóe nên Tâm chẳng để bụng, cô cũng không bao giờ nói lại với mẹ chồng. Vậy mà mỗi lần làm chuyện gì không phải, bị bố mẹ chồng góp ý, bà chị dâu cứ đứng đằng sau chửi vọng lên đằng trước: “Có đứa nó ghê gớm thật, tính hất cẳng con này ra khỏi nhà chứ gì, đừng có mà mơ nhé!”.

“Mình cũng cố gắng cải thiện, cố gắng gần chị ấy để hai bên hiểu nhau hơn. Nhưng dường như trong đầu chị ấy lúc nào cũng có cái suy nghĩ vợ chồng mình nhỏ to với các cụ để được phần hơn nên chị ấy càng ngày càng tỏ ra ghét mình… Thôi thì “một điều nhịn, chín điều lành”, hy vọng là chị ấy sẽ hiểu mình hơn. Có điều, sống trong nhà mà lúc nào cũng có người căng thẳng với mình như thế cũng không phải dễ chịu gì…” - Tâm tâm sự.

Để mối quan hệ chị em bạn dâu không trở nên căng thẳng, mỗi người cần phải biết sống vì nhau… (Anh minh họa)

2. Nhà ông bà Lâm (đường Trần Quý Cáp, Nha Trang) có một tiệm ăn khá lớn. Ông bà có cả thảy 7 đứa con, 3 nam 4 nữ. Tất cả đều đã có gia đình, con cháu đuề huề, riêng anh con trai út vừa mới lấy vợ cuối năm ngoái. Tuổi cao sức yếu, ông bà để cho vợ chồng hai anh con trai lớn cùng quản lý hàng quán, lợi nhuận thu được ông bà đều chia phần cho các con, tùy theo công sức của từng người. Từ trước đến nay, ai cũng công nhận đại gia đình ông Lâm thật hạnh phúc, con cái, dâu rể đông nhưng hòa thuận, hiếu thảo. Vậy mà từ khi thằng út cưới vợ, mọi chuyện đảo lộn cả lên. Thắm - vợ của cậu út cũng được ông bà Lâm giao việc phụ với các anh chị trông coi tiệm ăn. Được một thời gian, không hiểu sao mà các bà chị dâu tuyên bố cạch mặt cô em dâu, không muốn cho Thắm làm chung vì “quá nhiều chuyện”. Chị Oanh - cô con dâu trưởng kể: “Mới đầu, tui thấy cổ cũng siêng năng, giỏi tính toán, hay để ý những chuyện bếp núc. Tưởng cô ấy lành tính nên tụi tui không nghĩ ngợi gì, ai dè tối nào cổ cũng về “méc” lại với bố mẹ những chuyện không đầu không cuối, rồi lại thêm mắm dặm muối vào, làm các cụ hiểu nhầm. Chưa kể, những lúc không có vợ chồng tôi thì cổ “tranh thủ” nói xấu với vợ chồng thằng em kế và ngược lại, làm mọi người nghi ngờ lẫn nhau. Cô ấy còn nhỏ to với các cô em chồng, làm cho chuyện nhỏ thành chuyện lớn, chuyện bé xé to, mọi người xích mích với nhau. May là bố mẹ chồng tôi tỉnh táo, biết nhìn nhận sự việc nên mọi việc được giải quyết kịp thời, không thì đại gia đình này lại bị xào xáo cả lên…”. Từ sau những chuyện ấy, ông bà Lâm quyết định cho vợ chồng cậu út ở riêng, cho một số vốn để vợ chồng Thắm tự kinh doanh để không phải chung đụng với các anh, chị. “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, cái tật nhiều chuyện, thích “đâm bị thóc chọc bị gạo” của Thắm vẫn “chứng nào tật nấy”. Có điều, các thành viên trong gia đình ông Lâm giờ đây chẳng bị “xiêu lòng” bởi những lời nói của cô em dâu, họ nghe tai này bỏ tai kia vì đã “quá rành” bản chất của Thắm.

3. Chuyện của chị Hường (phường Phước Hải, Nha Trang) thì khác. Nhà chồng của chị chỉ có 2 anh em trai, vợ chồng chị Hường ở Nha Trang, còn vợ chồng cậu em ở TP. Hồ Chí Minh. Ít gặp nên hai chị em bạn dâu cũng chẳng xích mích gì. Chị Hường thường bảo với mọi người, chị may mắn có cô em dâu hợp tình hợp tính, hiểu và thông cảm với nhau. Vậy mà tháng trước, chị Hường lại tuyên bố không thèm nhìn mặt cô em dâu nữa. Hỏi ra mới biết, từ ngày thằng con chị Hường vào học ở TP. Hồ Chí Minh, ở nhà chú thím, chị mới biết cô em dâu chẳng phải “tay vừa”. “Lúc cháu nó mới đậu đại học, thím ấy đon đả anh chị cứ cho cháu ở nhà em, em lo tất. Vậy mà, mới có tháng đầu, thằng con tôi đã chịu không nổi tính khí thất thường của thím ấy. Thỉnh thoảng, thím ấy cằn nhằn chồng, rằng thời buổi gạo châu củi quế mà lại phải nuôi thêm người trong nhà, rồi thì phải hầu hạ cơm bưng nước rót quá mệt. Tôi cũng gửi tiền đầy đủ cho vợ chồng chú em chứ có phải không đâu, nếu thím ấy thấy khó chịu thì nói với tôi một tiếng, cớ gì mà lại mặt nặng mày nhẹ, giận cá chém thớt với thằng bé, làm nó bị stress nặng, không học được” - chị Hường kể. Mới đây, nửa đêm chị Hường tá hỏa khi nhận được điện thoại của con, thằng bé bảo không thể ở được nữa nên quyết định ra ngoài. Gặng hỏi mãi, nó mới kể thím ấy kêu bị mất tiền rồi bóng gió đổ cho thằng bé lấy… Đến nước này thì chị Hường không nhịn được nữa, chị tức tốc bay vào TP. Hồ Chí Minh tìm chỗ trọ cho con và nói chuyện với vợ chồng chú em. “Điều khiến tôi bất ngờ nhất hóa ra không phải chuyện thằng con mình. Thím ấy nghe ở quê người ta nói, ông bố chồng sẽ giao lại căn nhà cho vợ chồng tôi cai quản nên từ ấy đâm ra ghét bỏ vợ chồng tôi. Thím ấy còn xúi chồng phải “làm cho ra nhẽ để khỏi bị thiệt thòi”… May mà hai anh em rất thương nhau nên hiểu nhau, nếu không thì anh em thành kẻ thù mất rồi…” - chị Hường tâm sự.

Người xưa có câu: “Chị em dâu nấu đầu trâu lủng nồi” có ý rằng chị em bạn dâu với nhau thường mâu thuẫn, xích mích, bất hòa, thậm chí lắm khi còn xảy ra xô xát. Chị em bạn dâu thường bất hòa do nhiều nguyên nhân như sự khác biệt về địa vị xã hội, lợi ích kinh tế, giáo dục con cái, phân công công việc trong gia đình… Vì thế, để tránh cảnh xảy ra xích mích giữa những gia đình nhỏ trong gia đình lớn, những người có mối quan hệ chị em bạn dâu nên tuân theo nguyên tắc bình đẳng, thân mật, tôn trọng, quan tâm giúp đỡ nhau, tin tưởng và thông cảm lẫn nhau. Đây chính là những tiêu chí vàng để giúp các thành viên trở nên gắn bó với nhau hơn, giữ được sự đoàn kết trong đại gia đình.

HẢI NGUYỆT