12:01, 22/01/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm nhìn hướng biển

Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn và tư duy chiến lược vượt thời đại về khai thác tiềm năng biển, khẳng định chủ quyền biển đảo. Tháng 3-1961, khi về thăm cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân lần thứ 2 tại Quảng Ninh, Người đã dạy: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…".

Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn và tư duy chiến lược vượt thời đại về khai thác tiềm năng biển, khẳng định chủ quyền biển đảo. Tháng 3-1961, khi về thăm cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân lần thứ 2 tại Quảng Ninh, Người đã dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.


Phải biết khai thác biển bạc


Là vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã rất sớm nhìn thấy tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong cuộc đời mình, Người nhiều lần đến thăm công nhân và thủy thủ, thăm đồng bào ngư dân đánh cá trên biển. Cùng với đó, Người cũng thường xuyên quan tâm đến lực lượng hải quân - những người canh giữ chủ quyền biển, đảo.

 

Một góc khu vực Bắc Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Ảnh: VĨNH THÀNH

Một góc khu vực Bắc Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Ảnh: VĨNH THÀNH


Ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”.


Tháng 10-1957, khi đến thăm Quảng Ninh, nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Người khẳng định: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ... cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”. Theo Người, “làm chủ” là bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân.


Ngày 31-3-1959, Bác đến thăm làng cá Cát Bà, Hải Phòng. Tại đây, Bác đã động viên nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn, đồng thời căn dặn: “Rừng vàng, biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”.


Khẳng định bảo vệ chủ quyền


 “Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”. Theo tư tưởng chỉ đạo của Người, bộ đội Hải quân non trẻ được thành lập ngay từ những ngày đầu hòa bình lập lại trên miền Bắc. Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể. Ngày này đã trở thành mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, bộ đội Hải quân luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân chủng Hải quân đã vinh dự ba lần được đón Bác về thăm.


Ngày 31-3-1959, bộ đội Hải quân vinh dự đón Bác lần đầu về thăm. Người kiểm tra Trường Huấn luyện Hải quân và Xưởng 46, hai “viên gạch” đầu tiên của Hải quân ta. Người căn dặn, nhà trường phải thi đua dạy tốt, học tốt, tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền, thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Tàu 524 của trường đưa Bác đi thăm vịnh Hạ Long. Trên đường đi, Bác đã nói nhiều về việc xây dựng lực lượng hải quân và căn dặn: “Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”.


Ngày 16-3-1961, bộ đội Hải quân được đón Bác về thăm lần thứ hai. Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”... Khi đi kiểm tra vùng biển Đông Bắc, đến cửa hang Đầu Gỗ, Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Câu nói ấy đã trở thành phương châm hành động, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của bộ đội Hải quân.


Ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa. Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”. Đặc biệt, ngày 11-8-1965, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc”.  


Dấu chân của Người với biển đảo


Ngày 18-10-1946, sau chuyến thăm Pháp trở về nước trên tàu Dumont Durville, tại vịnh Cam Ranh, Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu. Cuộc gặp như một nỗ lực của Bác và dân tộc Việt Nam chìa tay ra cho thế lực quân sự Pháp một cơ hội hòa bình, nhưng tiếc thay… Công viên 18-10 và Tượng đài Bác Hồ ở TP. Cam Ranh là biểu tượng thiêng liêng để kể mãi câu chuyện Người đã nỗ lực tìm kiếm hòa bình, biểu tượng Người vẫn sống mãi trong lòng dân Khánh Hòa.


Người đã nhiều lần thăm đảo Cô Tô và đây là nơi duy nhất và đầu tiên Bác đồng ý cho phép dựng tượng đài khi còn sống. Việc Hồ Chí Minh đồng ý xây tượng đài mình trên đảo Cô Tô có lẽ cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.


Ngày 22-11-1962, trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhà du hành vũ trụ người Liên Xô German Titov lên thăm đảo nhỏ có tên là Cát Nàng. Để ghi dấu kỷ niệm chuyến đi đó, Hồ Chủ tịch đã đặt tên cho đảo là đảo Ti tốp. Đảo Ti tốp giờ đây là điểm du lịch nổi tiếng trong vịnh Hạ Long.


Để khát vọng của Người bay xa


Tầm nhìn chiến lược, khát vọng của Người về một Việt Nam biết làm giàu từ biển, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã được Đảng ta tiếp nối bằng những nghị quyết cụ thể về phát triển kinh tế biển.


Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nêu rõ: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cụ thể hơn nữa về mục tiêu, giải pháp. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.


Đặc biệt, Khánh Hòa là địa phương có hơn 300km bờ biển, có 3 vịnh nổi tiếng và hàng trăm đảo lớn nhỏ đã xác định kinh tế biển là trọng tâm. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.


Những trung tâm kinh tế gắn với biển của tỉnh đang hình thành trải dài từ bắc Vân Phong đến Cam Ranh. Đó cũng là cơ sở cho xây dựng quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050. Tầm nhìn và khát vọng về biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được các thế hệ kế tiếp nhau ra sức thực hiện, cụ thể hóa.  


Trần Duy