12:01, 22/01/2023

Khánh Hòa - tầm nhìn tương lai

Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Cố vấn trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh. Ông đánh giá Khánh Hòa nằm trong số các tỉnh, thành phố đi đầu trong việc lập quy hoạch tích hợp trên tinh thần khoa học. Ngay từ bước nghiên cứu lập quy hoạch đã có sự chuẩn bị tốt để có thể hiện thực hóa quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhân dịp năm mới, trò chuyện với Báo Khánh Hòa, ông đã có những chia sẻ rất thú vị.



 

 

Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Cố vấn trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh. Ông đánh giá Khánh Hòa nằm trong số các tỉnh, thành phố đi đầu trong việc lập quy hoạch tích hợp trên tinh thần khoa học. Ngay từ bước nghiên cứu lập quy hoạch đã có sự chuẩn bị tốt để có thể hiện thực hóa quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhân dịp năm mới, trò chuyện với Báo Khánh Hòa, ông đã có những chia sẻ rất thú vị.


Tạo đột phá mới cho Nha Trang


- Có nhiều ý kiến cho rằng, TP. Nha Trang đã phát triển mạnh nên rất khó cho việc tạo bước đột phá mới trong tương lai. Vấn đề này được giải quyết như thế nào trong quy hoạch mới, thưa ông?

 

Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn


- Trong 10 năm trở lại đây, TP. Nha Trang phát triển nóng. Hiện nay, mật độ phát triển khu vực ven biển của thành phố đã tăng rất cao, bắt đầu hình thành “bức tường cao ốc” dọc biển Trần Phú. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông của thành phố khá bức xúc bởi các tuyến đường không phát triển tương xứng với mật độ đô thị ngày càng cao. Vì vậy, đồ án quy hoạch mới đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá mới để giải quyết các vấn đề này.


Thứ nhất, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất hạn chế việc xây dựng tiếp tục “bức tường cao ốc” dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng mà khuyến khích xây dựng cao ốc ở khu vực sâu hơn trong đất liền. Bên cạnh đó, hình thành các khu vực mới để tiếp tục thu hút đầu tư triển khai các dự án cao ốc, dịch vụ, thương mại. Đồng thời, phát triển một đô thị ven sông Cái theo trục vuông góc với biển để các dự án phát triển 2 bên sông không những tạo được không gian sinh hoạt đô thị sông nước sầm uất, mà còn tạo được cơ hội cho các công trình cao tầng đều hưởng được tầm nhìn thoáng ra biển. Tôi cho rằng, đây sẽ là khu vực thu hút đầu tư phát triển hấp dẫn trong tương lai.

 

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: KHOA TRẦN

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: KHOA TRẦN


Thứ hai, khu vực đường Võ Nguyên Giáp với lộ giới 60m được chỉnh trang lại để nối thẳng trực tiếp vào khu sân bay Nha Trang cũ - nơi sẽ được chuyển thành khu trung tâm mới hiện đại nhất, cao tầng nhất của TP. Nha Trang. Đường Võ Nguyên Giáp được nâng tầm thành trục đường huyết mạch quan trọng nhất theo hướng Đông - Tây của TP. Nha Trang trong tương lai, nối Diên Khánh với khu trung tâm mới ven biển của Nha Trang. Trên tuyến đường này, sẽ lập các tuyến xe buýt nhanh, sau này có thể nâng lên thành tuyến metro, kết nối khu trung tâm mới với ga đường sắt mới, bến xe trung tâm mới để ra Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam, liên kết với toàn tỉnh theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development). TOD là mô hình tiên tiến được thực hiện nhiều nơi trên thế giới, đã được chứng thực hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và quản lý đô thị. Hiện nay, Việt Nam có nhiều tỉnh, thành lớn muốn làm mô hình này, nhưng TP. Nha Trang có tiềm năng nên sẽ đi đầu.


Theo tôi, đường Võ Nguyên Giáp có tiềm năng đem lại hiệu quả rất cao về kinh tế cũng như quy hoạch đô thị. Cụ thể là đem lại nguồn lợi rất lớn với quỹ đất lớn ở hai bên đường có diện tích khoảng 4.416ha. Do đó, hai bên đường có thể xây dựng nhiều phức hợp nhà ở và văn phòng cao tầng với tiện ích dịch vụ thương mại, tạo cơ hội cho việc hình thành quỹ đất phát triển tương lai rất hấp dẫn đầu tư. Nguồn thu từ quỹ đất lớn này tạo thêm nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại cho cả khu vực.


Khơi dậy tiềm năng Vân Phong và Cam Ranh


- Trong Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong có những điểm khác biệt gì để khu kinh tế này có thể bứt phá sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thưa ông?


- Điểm nhấn quy hoạch mới Khu Kinh tế Vân Phong là không xen kẽ như cách làm cũ mà đã tách rời khu vực làm du lịch cao cấp - vùng xanh, với yêu cầu môi trường sạch hoàn toàn; khu cảng biển và công nghiệp - vùng nâu, được kiểm soát sao cho ô nhiễm thấp hơn ngưỡng cho phép. Khu vực Vân Phong thời gian tới sẽ có bộ mặt hoàn toàn mới, trở thành đô thị biển sầm uất, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho tỉnh. Khu vực phía nam sẽ tập trung phát triển cảng biển hàng hóa và trung chuyển quy mô nhỏ; các khu công nghiệp có hạ tầng kết nối bài bản. Khu vực phía bắc ngoài quỹ đất dự trữ cho việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế sẽ phát triển đô thị du lịch biển sinh thái cao cấp, gắn với việc bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, nâng cao đời sống người dân.

 

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: KHOA TRẦN

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: KHOA TRẦN


Ngoài ra, vấn đề kết nối vùng giữa Khánh Hòa và Phú Yên cũng được đặt ra nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên. Từ sân bay Cam Ranh đi Vân Phong có quãng đường hơn 100km là quá xa. Vì vậy, một mặt Vân Phong sẽ có sân bay charter (sân bay nhỏ, phục vụ du lịch); mặt khác sẽ có hợp tác nâng cấp sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) và kết nối chiến lược với tỉnh Phú Yên để hỗ trợ lẫn nhau. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của 2 địa phương đã gặp gỡ để bàn kế hoạch xúc tiến trong thời gian tới.  


- Nhiều người vẫn còn lạ lẫm với cụm từ đô thị sân bay. Ông có thể nói rõ hơn về quy hoạch đô thị sân bay tại khu vực vịnh Cam Ranh?


- Theo quy hoạch mới, khu vực Cam Ranh - Cam Lâm sẽ không chỉ là đô thị cảng biển, cảng quân sự, mà còn khai thác thêm giá trị đô thị sân bay (aerotropolis) và đô thị du lịch biển quốc tế. Sân bay Cam Ranh cần được nâng cấp, xây dựng 2 đường cất hạ cánh độc lập để xứng tầm với vị thế cửa ngõ quốc gia và quốc tế, với tiềm năng tương lai tăng lên hàng trăm triệu lượt khách/năm.


Đô thị sân bay là mô hình mới của thế kỷ XXI, đang được phát triển mạnh trên thế giới, như ở Singapore, Amsterdam (Hà Lan), Doha (Qatar)… Khi phát triển thành đô thị sân bay thì sân bay không còn đơn thuần là nơi chuyển tiếp đi lại, mà trở thành điểm đến, thậm chí là một đô thị sầm uất. Khu vực nhà ga liên kết tốt với khu đô thị đa chức năng lân cận, có dịch vụ thương mại, khách sạn, trường học, khu giải trí... và giao thông công cộng nối với trung tâm thành phố.


Sẽ đem lại bộ mặt hoàn toàn mới cho Khánh Hòa


- Thực tế thời gian qua, có những quy hoạch vừa công bố được vài năm đã xuất hiện những bất cập, lạc hậu. Trong quá trình lập các quy hoạch ở Khánh Hòa, vấn đề “tầm nhìn phát triển” của đô thị đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?


- Trong quá trình làm quy hoạch, với vai trò cố vấn chiến lược cho lãnh đạo tỉnh và sở, ngành, địa phương, chúng tôi đã làm việc, trao đổi với từng sở, ngành, đơn vị để cùng phân tích, đánh giá chiến lược tác động tương hỗ của từng đơn vị với quy hoạch chung của tỉnh; xem lại các quy hoạch hiện hữu có những khó khăn, điểm mạnh gì và điểm mạnh đó có được khai thác đúng tầm hay chưa? Nhờ đó, trong suốt quá trình lập quy hoạch, đơn vị tư vấn, cố vấn, các sở, ban, ngành và các địa phương cùng hợp tác tích cực ngay từ khâu chuẩn bị, nghiên cứu, phân tích tổng hợp cho đến góp ý phản biện và đề xuất các giải pháp chiến lược mang tính đột phá. Đây là cách làm mới, mang tính khoa học. Đến nay, bản quy hoạch tích hợp có nhiều đổi mới, khác biệt rất lớn so những quy hoạch từng được trình duyệt trước đây.


- Theo ông, Khánh Hòa có thể kỳ vọng điều gì sau khi các quy hoạch của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?


- Ngay từ giai đoạn đánh giá hiện trạng, nhóm thực hiện đã có những đánh giá rất sâu sắc các quy hoạch đã được duyệt; phân tích những khó khăn, cách khắc phục cũng như những vấn đề đã lạc hậu cần bỏ đi, những cơ hội mới cần khai thác. Có thể nói, Khánh Hòa nằm trong số các tỉnh, thành phố đi đầu trong việc lập quy hoạch tích hợp trên tinh thần khoa học. Ngay từ bước nghiên cứu lập quy hoạch đã có sự chuẩn bị tốt để có thể hiện thực hóa quy hoạch này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều định hướng quy hoạch mang tính khả thi cao, hợp lý và đem lại nhiều giá trị trong thu hút đầu tư.


Tôi thấy có một điểm khá đặc biệt là, tuy vẫn còn trong giai đoạn hoàn thành bước trình duyệt quy hoạch cuối cùng, nhưng nhiều tập đoàn đầu tư lớn tầm quốc gia và quốc tế trong khu vực đã quan tâm, mong muốn tham gia đầu tư xây dựng dự án tại Khánh Hòa. Vì vậy, tôi tin rằng, sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc đưa vào hiện thực sẽ rất thuận lợi và đem lại bộ mặt hoàn toàn mới cho Khánh Hòa.


- Xin cảm ơn ông!


VĂN KỲ (Thực hiện)