Cứ như một lẽ thường tình, những con chữ, những câu chuyện tản mạn cuối năm của họ luôn phảng phất cái mùi của Tết.
Cứ như một lẽ thường tình, những con chữ, những câu chuyện tản mạn cuối năm của họ luôn phảng phất cái mùi của Tết.
Đó chẳng phải là thứ mùi được định hình cụ thể, chạm vào hay cầm nắm được, mà là thứ mùi cứ vậy tỏa lan sau những chiêm nghiệm riêng mình, mùi của những dư âm ngày cũ. Họ cứ kể, như thể mình chạm vào mình, chỉ thế thôi!
Kể từ ngày 11-1-2021, Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ký ức về Tết những năm xa xưa đỏ xác pháo trước sân nhà lại ùa về. Ai có thể quên những ngày giáp Tết, không khí chộn rộn bởi những tiếng pháo lúc xa lúc gần đây đó, mọi người như quên đi những nhọc nhằn, gác lại những lo toan của ngày thường để đón chào một năm mới.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bánh pháo là một phần của hồn vía ngày Tết cổ truyền. Những làng nghề làm pháo nổi tiếng cả nước như: Bình Đà (Hà Đông), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Nam Ô (Đà Nẵng)… Bánh pháo ngày ấy thường phong đỏ, kèm 4 trái pháo đùng để khi đốt có điểm nhấn. Pháo tép dành cho con nít thì phong pháo dài cỡ gang tay, trái pháo nhỏ xíu còn hơn đầu đũa, khi đốt nổ đì đẹt vui tai. Thời khắc giao thừa, khi mâm cúng tổ tiên đã chuẩn bị xong, đúng khi trời đất bước vào giây phút đầu tiên của năm mới, gia chủ châm bánh pháo. Tiếng pháo ròn rã tiễn năm cũ vừa qua và đón năm mới với bao nhiêu ước vọng. Làn khói pháo thơm xanh trong tiết xuân se lạnh, để sáng mùng một thấy trước sân nhà đám xác pháo đỏ hồng tượng trưng cho một năm may mắn… đã là hình ảnh thân quen, sống mãi trong ký ức của bao lớp người.
Đám trẻ ngày ấy mong Tết từng ngày, thích pháo nhất trên đời. Mấy ngày trước Tết toàn háo hức khoe nhau xem nhà đứa nào đã mua pháo. Rồi cả lũ rủ nhau đứng trực trước cổng nhà ai chuẩn bị đốt pháo. Chờ tiếng pháo vừa dứt là xô nhau tìm pháo xịt, pháo chưa nổ… Túi áo đứa nào cũng đầy những trái pháo như vậy, để đi chăn trâu đốt nghe cho vui. Trái pháo tép ngày ấy bé tí xíu nên lỡ có nổ trên tay cũng chẳng mấy hề hấn chi.
Thế nhưng, lòng tham của con người không chịu dừng ở những bánh pháo truyền thống. Pháo ngày một lớn hơn, cuốn bằng giấy báo, để tiết kiệm chỉ lớp vỏ ngoài mới được nhuộm hồng. Để tiếng nổ to hơn, người ta dùng đến thuốc nổ. Nhà này phải hơn đua nhà kia, pháo phải to hơn, nhiều hơn. Đêm giao thừa những năm 1990, pháo thực sự là nỗi ám ảnh. Cả thành phố đinh tai lộng óc trong những dây pháo bất tận, khói thuốc khét lẹt mù mịt cả tiếng sau chưa tan hết. Sáng hôm sau, thành phố trắng xóa giấy báo, khổ thân mấy chị công nhân vệ sinh. Năm nào cũng có cả trăm vụ tai nạn thương tâm do pháo. Có chuyện cười ra nước mắt là chiều 30 Tết ở Nha Trang, hàng xóm thấy một hiệu buôn trên đường Sinh Trung treo dây pháo từ tầng 4 xuống, trái nào cũng to như viên pin Con Ó đã vội vàng đóng cửa, cả nhà về quê Diên Khánh chứ không dám ở lại đón giao thừa (!)
Lòng tham của con người đã làm phong tục đẹp ngày xuân bị biến tướng. Cái gì đến phải đến. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 406, bắt đầu từ năm 1995 nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, buôn bán, đốt pháo nổ. Tết năm ấy yên tĩnh lạ thường. Ban đầu có bứt rứt, có nhớ tiếng pháo đón giao thừa thật, nhưng rồi mọi người dần dần quen với nếp sống mới. Những làng nghề truyền thống làm pháo được hướng dẫn chuyển đổi nghề. Giao thừa không có tiếng pháo nổ thì chính quyền tạo ra phong tục mới, bắn pháo hoa đêm giao thừa. Mấy chục năm qua đã thành nếp, đến 30 Tết mọi người lại kéo nhau ra quảng trường thành phố coi pháo hoa.
Với nhiều người bị “nghiện” tiếng nổ của pháo đã lén tìm đủ cách để ngày Tết có mấy trái pháo lậu. Bên kia biên giới, vốn là quê hương của pháo nhưng đã phải cấm pháo trước ta, nhưng mấy năm qua nghe đâu cho đốt lại ở một số địa phương nên pháo về biên giới nhiều vô kể. Từ đây, pháo tìm cách chui lậu vào nước ta, làm khổ mấy anh công an, dân quân vất vả mấy ngày Tết. Lãnh đạo quy định, địa bàn nào để xảy ra tình trạng đốt pháo thì sẽ bị kỷ luật, vậy là khi mọi gia đình quây quần bên nhau đón giao thừa thì mấy anh phải tăng cường tuần tra…
25 năm đã trôi qua, người dân đã quen với những ngày Tết không có tiếng pháo nổ. Vậy nên khi nghe Chính phủ cho phép từ nay được bắn pháo hoa, tự dưng bao kỷ niệm xưa ùa về trong ký ức. Một thế hệ công dân 9X trở về sau chỉ biết pháo Tết qua sách vở, lời kể của những người lớn tuổi hơn. Cuộc sống hiện đại là như vậy. Hàn Quốc, Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 cũng đã chẳng bỏ luôn Tết cổ truyền theo lịch âm, chỉ đón Tết dương lịch như phương Tây đó sao.
Thủy Ngân