10:01, 28/01/2020

"Vạn Tượng" yên bình

Chúng tôi đến Lào khi thời tiết đang giao mùa. Đất nước Vạn Tượng (Triệu Voi) gây ấn tượng cho du khách bởi sự hiền hòa, yên bình và tình cảm nồng hậu của người dân dành cho những du khách…

Chúng tôi đến Lào khi thời tiết đang giao mùa. Đất nước Vạn Tượng (Triệu Voi) gây ấn tượng cho du khách bởi sự hiền hòa, yên bình và tình cảm nồng hậu của người dân dành cho những du khách…


. Đất nước của những công trình Phật giáo


Từ cửa khẩu Lao Bảo – Đensavan, chúng tôi băng qua những cung đường bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng, của dòng sông Serepok tung bọt trắng xóa… Hai bên đường, những mái nhà sàn đơn sơ nép mình dưới những tán cây rừng vẽ nên một khung cảnh thật yên bình. Dân cư thưa thớt, phần lớn theo đạo Phật phái tiểu thừa. Nhà sàn và những ngôi chùa là một nét văn hóa nổi bật của dân tộc Lào. Mỗi làng đều có chùa. Dù lớn hay nhỏ, những ngôi chùa nơi đây đều được trang trí đầy màu sắc sặc sỡ với những nét chạm trổ tỉ mỉ.

 

Những ngôi chùa cổ kính nhưng cũng đầy màu sắc.

Những ngôi chùa cổ kính nhưng cũng đầy màu sắc.


Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là TP. Kaysone Phomvihane, tỉnh lỵ của tỉnh Savannakhet. Đây là quê hương của cố Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane. Điểm tham quan đầu tiên là thánh địa Phật giáo That Inghang nằm ở ngoại vi tỉnh lỵ Savannakhet. Ngôi chùa được xây dựng cách đây 2.000 năm, tương truyền là để ghi dấu nơi đức Phật dừng chân trên đường hành đạo. Bước qua cổng chùa, đập vào mắt du khách là tháp xá lợi cổ kính cao 30m được trang trí bởi những pho tượng Phật xung quanh khiến nhiều người ngỡ mình đang lạc vào cõi Phật… Hàng năm, vào rằm tháng Giêng, lễ hội That Inghang được tổ chức rất lớn để du khách và người dân khắp nơi hành hương về đây; ai cũng có thể vào lễ Phật để các nhà sư buộc chỉ cổ tay, cầu chúc những điều may mắn; hay xoa tay lên chiếc chiêng lớn để cầu may…

 

Thánh địa Phật giáo That Inghang.

Thánh địa Phật giáo That Inghang.


Rời Savannakhet, chúng tôi đến thủ đô Viêng Chăn - thành phố của những ngôi đền, chùa duyên dáng bên bờ sông Mêkông. Đến đây, du khách như lạc vào thế giới của Phật giáo với những ngôi chùa cổ kính nhưng cũng đầy màu sắc. Đó là những ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII như Mẹ Xi Mương - ngôi chùa được xem là linh thiêng nhất của nước Lào hiện nay; chùa Sisakeo, Ho Phrakeo - nơi thờ tượng Phật Ngọc Lục Bảo; tháp That Luang - ngôi tháp cao 45m được xây dựng cách đây hơn 450 năm, là biểu tượng của đất nước Lào. Tháp That Luang mang phong cách văn hóa, bản sắc Lào, được in hình trên tiền giấy và Quốc huy của Lào. Du khách còn được chiêm ngưỡng biểu tượng của thủ đô Viêng Chăn - Khải Hoàn môn, còn gọi là Đài chiến sĩ vô danh. Đây là tượng đài chiến thắng được xây dựng nhằm tưởng nhớ những người lính đã hy sinh khi tham gia kháng chiến giành độc lập cho đất nước Lào và thế chiến thứ 2…


Có thể nói, mỗi ngôi chùa, đền tháp, vườn tượng nơi đây đều mang một vẻ đẹp độc đáo và luôn hấp dẫn, lôi cuốn du khách.


. Ấm tình hữu nghị Việt - Lào


Có khá đông người Việt Nam sinh sống trên đất Lào. Dù ở Savannakhet, thủ đô Viêng Chăn hay tỉnh Khăm Muộn…, chúng tôi gặp nhiều người Việt làm ăn, sinh sống trên đất Lào. Buổi tối tại thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi được phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại đây chia sẻ nhiều điều thú vị về đất nước Lào. Hai vợ chồng hiện đang sinh sống ở đây, vợ anh là giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh Lào. Trong bữa ăn tối, chúng tôi được nghe một ban nhạc dân tộc Lào hát những bài hát về Việt Nam, về Bác Hồ và về tình hữu nghị Việt - Lào. Sự gần gũi, chân tình của những người dân Lào đối với những vị khách đến từ Việt Nam khiến mọi người cảm thấy như không còn khoảng cách. Khi tham quan tỉnh lỵ tỉnh Savannakhet, chúng tôi tình cờ bắt gặp một hội chợ hàng Việt Nam được tổ chức ngay trung tâm mua sắm. Mỗi gian hàng nơi đây, dù là của người Lào đều trao đổi, mua bán và niêm yết giá bằng tiếng Việt…

 

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Điều khá thú vị trong chuyến đi đó là chúng tôi được đến thăm 2 điểm ghi lại dấu ấn trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Lào. Tại TP. Kaysone Phonvihan, cách không xa ngôi nhà của cố Tổng Bí thư Lào Kaysone Phonvihane có một tấm bia. Trên tấm bia ghi: “Nơi đây, tháng 6-1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc đó bí danh Thầu Chín đang hoạt động tại vùng đông bắc Xiêm đã vượt sông Mêkông sang thị xã Savannakhet (Lào) để khảo sát tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, sau đó người trở lại Xiêm”. Đặc biệt, tại bản Xiềng Vang (xã Xiềng Mương, huyện Noong Bok, tỉnh Khăm Muộn), có một Khu tưởng niệm trưng bày khá đầy đủ những hình ảnh, sự kiện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, cũng như những hình ảnh về tình hữu nghị Việt - Lào…


Sự bình yên của đất nước này dường như trải khắp muôn nơi, từ tiếng chuông chùa văng vẳng ngân lên trong ánh bình minh mỗi sớm, trong những mái chùa thân quen của con người đất Phật… Điều ấy khiến du khách cảm thấy lưu luyến và muốn quay trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa…


Ngọc Bảo Châu