Xuống tàu theo cha ra khơi ngày Tết là một trải nghiệm khó quên với tôi - cậu sinh viên năm 3 Khoa Hàng hải...
Xuống tàu theo cha ra khơi ngày Tết là một trải nghiệm khó quên với tôi - cậu sinh viên năm 3 Khoa Hàng hải...
Con cá đầu tiên
20 tháng Chạp. Con tàu composite 420CV nạp đầy dầu, đá cây, nước ngọt, lương thực, rau xanh, từ cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) chở 6 người ra khơi, hướng về vùng biển Trường Sa của Tổ quốc, bắt đầu chuyến câu cá ngừ kéo dài 20 - 25 ngày.
Lần đầu đi biển dài ngày, với tôi, cảm giác say sóng thật khó tả, nhưng không át nổi sự hào hứng khám phá đại dương. Tận mắt chứng kiến hoàng hôn trên biển, tình yêu Tổ quốc trong tôi như dâng trào. Biển đêm cũng thật kỳ ảo. Dưới ánh đèn tàu, những con cá chuồn vụt bay lên mặt nước, tỏa sáng lấp lánh…
Sau 3 ngày, chúng tôi đến đảo Sinh Tồn. Thật bồi hồi, ấm lòng và tự hào khi thấy các anh bộ đội hải quân trên đảo vẫy tay chào. Đi biển, mới hiểu vì sao người ta nói đảo là điểm tựa của ngư dân.
17 giờ, thuyền viên thức giấc, ăn cơm chiều rồi tập trung làm dây, làm thẻo (lưỡi câu), chuẩn bị mẻ đánh bắt đầu tiên. Neo dù được thả xuống. Đây là loại neo giống bao bố, luồn nhiều dây, chuyên dùng ngoài biển sâu. Khi thả neo, dù nở ra, trữ nước, trở nên nặng, giúp cố định tàu. Mặt trời lặn, 21 bóng điện cao áp trên tàu bật sáng rực một khoảnh biển. Mực, cá nhỏ bu theo ánh đèn. Đã quen việc, người câu mực lấy mồi tươi; người thả mồi dẫn dụ những con cá ngừ đi săn mực dính câu. Nhưng đêm đầu tiên trôi qua chẳng được con cá nào. Tàu sang khu vực đảo đá Len Đao. Những ngày tiếp sau, tình hình vẫn vậy.
Chỉ còn 3 ngày là sang năm mới. Tàu chuyển hướng sang khu vực đảo Đá Công Đo. Trời bất chợt mưa rào, xám xịt. Ba cho tôi cầm lái lấy hên, hy vọng một đêm đánh bắt may mắn. Ánh mắt mọi người đều lộ rõ vẻ sốt ruột. Có người nói, cuộc sống trên biển quá nhàm chán, 1 ngày trên biển quá dài khi bốn bề chỉ có nước. Nhưng với ngư dân, 1 ngày trên biển thực sự rất ngắn. Họ phải chạy đua với thời gian, kiếm từng con cá, sao cho kịp kết thúc chuyến câu trước mùng 10, bởi khi có trăng, rất khó câu mực lấy mồi.
3 giờ sáng. Con cá đầu tiên cắn câu trong tiếng reo hò vui sướng. Bên thành tàu tròng trành, 4 người ghìm chân, người kéo, người thu dây câu, 2 người còn lại dùng khấu móc vây hỗ trợ kéo cá lên, rồi nhanh chóng xử lý, đưa cá vào hầm lạnh muối nước. Để đưa cá lên tàu, một số nơi dùng sốc điện, nhưng tàu của ba chỉ lựa cho cá mệt rồi từ từ kéo lên, tuy vất vả hơn nhưng thịt cá đẹp. Con cá bò gù đầu tiên nặng cỡ 50kg!
Giao thừa quên nỗi nhớ nhà
Chiều 30 Tết, tàu đến bãi Thám Hiểm. Mọi người chuẩn bị mâm cúng tất niên. Giờ này, trên đất liền, mọi người đều đoàn viên; chỉ có 5 lao động trụ cột trên tàu và cậu sinh viên là tôi đang xa nhà. Đã nhiều năm, ba tôi ăn Tết trên biển như thế...
0 giờ, cao điểm đêm câu. Có lẽ, cả tàu chỉ cảm nhận được phút giao thừa qua tiếng nhạc xuân, bởi tất cả đều tập trung câu cá. Bất chợt, có tiếng reo: “Cá ăn rồi!”. Lộc đầu năm khiến cả tàu phấn chấn. Rồi liên tiếp con nữa, con nữa; 6 con cá lớn trong đêm giao thừa! Quanh đó, cũng vọng lại tiếng reo hò có cá của mấy tàu bạn. Không khí này với tôi thật khác biệt. Mọi năm, giờ này, tôi đang đi chơi giao thừa cùng các bạn. Còn ở đây, điện đàm bỗng mất tín hiệu, tôi chẳng thể liên lạc về nhà. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao có năm ba gọi về chúc Tết vào sáng mùng 1, có năm tận mùng 2, mùng 3…
Bữa cơm đầu năm rộn rã, đầy ắp tiếng cười. Cả tàu nhâm nhi mấy lon bia với bộ lòng cá bò gù xào sả ớt. Mấy chú trên tàu cười đùa: “Sao không ở nhà ăn Tết hả cu?”. Tôi hào hứng: “Đi biển với ba vui chứ, ở nhà buồn thiu à!”. Tết ở nhà mà không đoàn viên thì buồn thật. Tôi bắt đầu thấy thích đi biển ăn Tết, để được san sẻ nỗi cô đơn với ba và mấy chú. Quanh tàu chúng tôi, mấy tàu khác cũng rộn ràng ăn Tết. Giữa trùng khơi mênh mông, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu thật kiêu hãnh vô cùng!
Ngày 6-2-2020 (13 tháng Giêng năm Canh Tý), tàu về cảng. Với cha tôi và các ngư dân, đây là chuyến biển bình thường như bao chuyến khác. Nhưng với tôi, một người con của biển, lớn lên cùng biển, được ăn lộc biển, tôi thấy may mắn và tự hào khi được khám phá, trải nghiệm, nhất là tận mắt ngắm quần đảo Trường Sa thân yêu; ghi nhận những giọt mồ hôi của cha ông đổ xuống để đem về đất liền con cá tươi ngon, cũng là để góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN VŨ
(Ghi theo lời kể của Phạm Mai Phước)
Chuyến biển đầu năm 2020 là chuyến biển Tết đầu tiên của Phạm Mai Phước. Phước hiện là sinh viên năm 3 Khoa Hàng hải, Trường Đại học Nha Trang và là cháu ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP. Nha Trang); con ông Phạm Phu, thuyền trưởng tàu cá KH 98246 TS với 30 năm đi biển. Phước khẳng định: “Tết Tân Sửu 2021, tôi sẽ tiếp tục đi biển. Trường Sa là nhà; tôi cùng ba đi biển đón Tết ở Trường Sa, cũng như ăn Tết ở nhà vậy”.