05:02, 12/02/2021

Tết cổ truyền ở Trường Sa

Giữa cồn cào sóng nước, Tết Trường Sa bắt đầu bằng những tiếng chuông chùa giữa thinh không. Mỗi nhịp ngân xa như sự kết nối của truyền thống và hiện tại, của cõi thức tâm linh và nồng nàn tình yêu đất nước.

Giữa cồn cào sóng nước, Tết Trường Sa bắt đầu bằng những tiếng chuông chùa giữa thinh không. Mỗi nhịp ngân xa như sự kết nối của truyền thống và hiện tại, của cõi thức tâm linh và nồng nàn tình yêu đất nước.


Rộn ràng Tết đảo


Dẫu năm tháng cứ vùn vụt qua đi, song mỗi độ xuân đến, ký ức về những lần được ăn Tết ở Trường Sa lại ùa về, níu lòng tôi khắc khoải với nơi địa đầu sóng nước thiêng liêng. Nỗi nhớ Tết ở Trường Sa bắt đầu bằng câu đùa của tôi với chị Nguyễn Thị Lan (người dân trên đảo Song Tử Tây). Ấy là khi chị Lan nhờ một người trên đảo ủi hộ bộ áo dài. Tôi chọc rằng, ở bốn bề biển biếc thế này, có mấy người đâu mà “chị đẹp” áo ngắn, áo dài làm gì cho phiền phức? Chị Lan cười hiền: “Ngày thường mặc sao cũng được, nhưng Tết thì phải mặc đẹp, mặc đúng phong tục. Tết ở đất liền thì việc làm đẹp du xuân, dạo phố phường là đương nhiên, còn làm đẹp để đón Tết ở Trường Sa không chỉ khiến mình chỉn chu hơn mà còn là việc làm thượng tôn nét văn hóa cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc. Ở Trường Sa, ai cũng ý thức được điều ấy”.

 

Đi chùa ngày đầu năm.

Đi chùa ngày đầu năm.


Dù ở nơi sóng nước xa xôi, song Tết Trường Sa vẫn vẹn nguyên nét cổ truyền của dân tộc. Những tục lệ trong ngày Tết cổ truyền được quân và dân trên đảo thể hiện một cách đủ đầy. Đến làng đảo ngày cuối năm, nhìn những nồi bánh chưng xanh được gói bằng lá bàng vuông mà lòng cảm thấy bồi hồi khác lạ. Không chỉ có bánh chưng, Tết ở làng đảo còn có mâm ngũ quả với đu đủ, dừa, chuối và quả tra được trồng trên đảo. Trong những ngày đầu năm mới, nhiều hoạt động vui xuân được tổ chức liên tục. Các trò chơi dân gian như đẩy gậy, lắc thúng bắt vịt hay kéo co được các chiến sĩ trẻ tham gia một cách hào hứng. Được tham gia những trò chơi, dõi theo những màn múa lân đẹp mắt trong tiếng trống hội mà lòng người bồi hồi như được trở về miền ký ức lễ hội nơi sân đình, làng cũ. Mùa xuân ở Trường Sa có lẽ cũng vì thế mà trở thành mùa của hương hoa, đất trời giao hòa, mùa của tình người, tình yêu biển, đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, Tết là những chuỗi ngày vui quện với sự hy sinh thầm lặng của bao người lính đảo.


Thiêng liêng ngày đầu năm


Ngày đầu năm ở Trường Sa thật đặc biệt. Lẫn trong vị mặn mòi của biển còn có thoang thoảng hương hoa bàng vuông, báo hiệu năm mới đã về. Ngay khi bình minh vừa ló rạng, cán bộ, chiến sĩ đã chỉnh tề trong quân phục mới nhất, đi chùa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Bước qua cổng tam quan, ngắm mái chùa cong vút; giữa nghi ngút khói hương, không gian tịch huyền, tiếng chuông chùa năm mới ngân lên như sợi dây vô hình níu lòng người trở về với hồn cốt cha ông!

 

Đảo Đá Thị trang trí mâm ngũ quả ngày Tết

Đảo Đá Thị trang trí mâm ngũ quả ngày Tết


Ngày Tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép diện bộ quần áo dân sự đẹp nhất, cánh lính trẻ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, ủi quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác… Trung sĩ Trần Trung Đức (quê ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, công tác trên đảo Song Tử Tây) hồ hởi khoe: “Đây là lần đầu tiên em được đón Tết ấm cúng trên đảo, cảm giác vừa mới mẻ vừa thân quen. Từ cán bộ đến chiến sĩ đều như một đại gia đình. Cảm xúc này quá đặc biệt đối với em”.


Đón Tết ở những đảo chìm, vì điều kiện đảo chật chội, không tổ chức được nhiều hoạt động nên nỗi nhớ đất liền càng trở nên da diết hơn. Đại úy Bùi Thanh Hải, hiện công tác ở đảo Đá Thị vẫn nhớ những kỷ niệm đón Tết ở đảo Núi Le B. Tuy đơn vị và anh em chiến sĩ trên đảo cố gắng tạo không khí và những món ăn mang hương vị Tết, nhưng giữa mênh mông biển cả vẫn da diết nỗi nhớ nhà. Anh Hải kể thời khắc giao thừa, dù đã cố gắng mạnh mẽ song khi vợ gọi điện thoại ra hỏi thăm vẫn khiến anh - người đàn ông ngoài 30 tuổi, dạn dày gió sương không nén được cảm xúc vì nỗi nhớ vợ con.

 

Gói bánh chưng trên đảo Nam Yết.

Gói bánh chưng trên đảo Nam Yết.


Tôi không thể nào quên được những ánh mắt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo trong thời khắc năm mới. Mọi ánh mắt đều hướng phía mênh mông biển biếc, như để kiếm tìm điều gì đó trong cuồn cuộn sóng trào.


Chỉ những ai từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận hết những khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động. Tự hào bởi được canh trời, giữ biển, giữ cho Tổ quốc mãi mãi những mùa xuân.

 
Đình Lâm