Tết ở Trường Sa có nhiều điều đặc biệt, bởi bao nhiêu hương vị và tình cảm quê nhà đều gói trọn gửi đến đảo xa…
Tết ở Trường Sa có nhiều điều đặc biệt, bởi bao nhiêu hương vị và tình cảm quê nhà đều gói trọn gửi đến đảo xa…
1. Ở đảo Trường Sa Lớn - nơi được xem là thủ đô của huyện đảo Trường Sa, cầu truyền hình vào tối 28 tháng Chạp luôn được mọi người mong đợi nhất. Dù trước đó cả đảo đã rộn ràng đón những chuyến hàng từ đất liền, rồi tất bật mổ heo gói bánh chưng, tổ chức tiệc tất niên… nhưng có lẽ đến hôm được xem cầu truyền hình, mọi người mới vỡ òa cảm xúc. Đêm đó, quân dân trên đảo cùng tụ tập trước màn hình tivi 65inches, khi đầu cầu bên kia hiện cất lên tiếng gọi “Trường Sa nghe rõ không?”, ai cũng cảm thấy nôn nao, bồi hồi. Chính trị viên Lê Trọng Thông chia sẻ: “Trong năm đảo đón rất nhiều đoàn khách ra thăm, nhận được nhiều sự quan tâm từ đất liền. Ấy vậy mà mỗi lần ngồi trước cầu truyền hình, cảm giác lại rất hồi hộp, không chỉ nghe mà còn thấy cả hương vị quê nhà…”.
Với những anh lính lần đầu đón Tết trên đảo, họ gọi cầu truyền hình theo ngôn ngữ của giới trẻ là… livestream như trên mạng xã hội. Ở bên này thấy rõ bên kia, nghe những câu chúc Tết chân tình, ấm áp từ đất liền, tự nhiên ai cũng xốn xang. Có một chút nhớ nhung, một chút bâng khuâng của cảm giác xa nhà, nhưng những cuộc trò chuyện của 2 đầu cầu đã làm cho mọi người trên đảo có cảm giác như được gần đất liền hơn. Bởi vậy, năm nào cũng có cầu truyền hình, nhưng mỗi lần tổ chức, cả đảo đều huy động cán bộ, chiến sĩ và cả người dân cùng chuẩn bị các khâu thật chu đáo để đường truyền thật tốt, hình ảnh thật nét và cùng cầu mong thời tiết thuận lợi để có một đêm vui trọn vẹn…
2. Tết trên đảo có gì vui? “Ồ, vui lắm chứ! Đêm giao thừa không thể thiếu những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của quân và dân. Nói vậy chứ cũng phải tập tành dữ lắm, vì biểu diễn cho toàn đảo xem mà”, cặp vợ chồng trẻ Huỳnh Đức Phong ở đảo Song Tử Tây hồ hởi kể. Xóm trên đảo, nhà nào cũng thân thiết với nhau như ruột thịt, nhưng tới Tết là “chia phe” ra để... gói bánh chưng, ví dụ như nhà này thì chung đội với tổ hậu cần, nhà kia chung đội với cụm chiến đấu số 1. Mọi người xúm xít gói bánh bằng lá bàng vuông, rồi quây quần canh bếp, khi vớt bánh thì ai cũng trầm trồ khen bánh đội mình vừa ngon vừa đẹp, vui cả làng!
Mấy đứa trẻ thì thích nhất sáng mùng một Tết, cũng xúng xính áo quần đẹp rồi được ba mẹ dẫn đi chúc Tết các chú bộ đội. Vui nhất là được làm khán giả nhí cổ vũ mỏi tay cho phần thi bắt vịt. Có 5 đội tham gia, mỗi đội 2 người ngồi trên thuyền thúng, còn vịt được thả 10 con trong âu tàu. Trong vòng 20 phút, đội nào bắt nhiều hơn thì thắng, và phần thưởng chính là những chú vịt ấy. Sáng đầu năm, cả đảo rộn tiếng cười, thấy sắc xuân như bừng lên trên từng khuôn mặt…
3. Lính đảo khéo tay - đó là điều ai cũng cảm nhận được. Tết, trên đảo có đầy đủ mai, đào nhưng đều là hoa giả. Trước Tết, mấy anh lính đã tăm tia chọn những cành cây khô có dáng đẹp, để dành cuối năm dán hoa mai, hoa đào giả vào, thế là đã có hoa đầy nhà. Ở một số đảo còn có cả cây quất, được mang từ đất liền từ năm trước, các chiến sĩ chịu khó chăm bón để Tết năm này các cây lại trĩu quả.
Riêng khoản chăn nuôi thì lính đảo cực kỳ mát tay. Hôm thăm đảo Thuyền Chài, Thượng úy Hoàng Minh Thạo khoe, anh đã 4 lần được mổ heo ăn Tết. Đảo chìm làm gì có nhiều diện tích, nhưng các chú ủn thì bao giờ cũng được ưu tiên cho một góc để làm chuồng, được chăm sóc vỗ béo hàng ngày, đến dịp lễ, Tết cả đảo có thịt tươi để cải thiện. Ở đảo Cô Lin còn nuôi được cả vịt, nhìn đàn vịt tung tăng bơi lội trên biển thật thích. Đảo Nam Yết thì đủ cả gà, vịt, heo, rau xanh đầy vườn, trên đảo còn trồng được cả dừa. Có thể gọi đây là vương quốc dừa, có những 250 cây. Nghe kể, các chiến sĩ chăm cây như chăm con, trên đảo còn có quy định anh nào bẻ lá bị phạt 50.000 đồng, tự ý hái trái phạt 200.000 đồng. Dừa chủ yếu để đãi khách quý, thỉnh thoảng anh em được uống vài trái. Tết, dừa trở thành món quý, được trưng bày trên mâm ngũ quả cúng đất trời, tổ tiên…
Tết ở Trường Sa có quá nhiều điều đặc biệt như thế nên với những người lính hải quân, khi trở về đất liền lại nhớ da diết những ngày Tết đảo xa. Bởi, chẳng có nơi nào như ở nơi này, dù cách xa nhưng vẫn ấm tình đất liền. Vì cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu. Vì Trường Sa luôn hướng về cả nước. Vì sự bình yên của nhà nhà, nơi ấy có những người lính vui xuân nhưng vẫn chắc tay súng bảo vệ biển trời quê hương…
L.H