07:02, 13/02/2016

Người hiến tặng bảo vật cho Nhà nước

Gìn giữ như báu vật truyền đời suốt bao năm, nhưng gia đình ông Tôn Thất Long (84 tuổi, thôn Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) đã không đắn đo khi tự nguyện hiến tặng bộ tài liệu được công nhận đặc biệt quý, hiếm cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.

Gìn giữ như báu vật truyền đời suốt bao năm, nhưng gia đình ông Tôn Thất Long (84 tuổi, thôn Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) đã không đắn đo khi tự nguyện hiến tặng bộ tài liệu được công nhận đặc biệt quý, hiếm cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.


Còn nhớ lần đầu tiên gặp ông Tôn Thất Long để được ông cho xem 3 sắc phong thuộc danh mục tài liệu đặc biệt quý, hiếm mà gia đình đang giữ, tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của anh Bùi Thiên Sơn - chuyên viên Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh. Ông Long vốn xuất thân dòng dõi hoàng tộc, là hậu duệ đời thứ 3 của cụ Tôn Thất Linh - người từng giữ chức vụ Thị lang Bộ Lại dưới triều vua Duy Tân. 3 sắc phong ông đang giữ là của vua Thành Thái và vua Duy Tân sắc phong cho cụ Tôn Thất Linh, ông nội của mình.

 

Ông Tôn Thất Long và một sắc phong được gia đình lưu giữ
Ông Tôn Thất Long và một sắc phong được gia đình lưu giữ


Dưới mái hiên nhà, ông cẩn thận lấy ra những đạo sắc phong rồi từ từ trải rộng từng tấm cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Tất cả đều làm bằng giấy dó, có hoa văn nhũ bạc hình rồng và họa tiết trang trí, được dòng họ, gia đình ông Long bảo quản nguyên vẹn sau hơn 100 năm, chỉ đưa ra trong những dịp quan trọng. Trong ánh chiều tà hắt vào mái hiên, ánh vàng của giấy dó, hoa văn nhũ bạc, dấu triện đỏ chói và nét mực tàu càng trở nên rực rỡ, sắc nét. Nhìn vào đó, tôi như thấy được những vất vả, sự tài hoa của người thợ làm giấy đang chăm chút cho từng nét hoa văn để tạo ra những tờ giấy dó dai, mịn, bền bỉ với thời gian. Ở đó, tôi đã thấy những vinh hiển của một đời người và sự trân trọng những người đã gìn giữ vẹn nguyên suốt hơn trăm năm qua.


Theo gia phả, cụ Tôn Thất Linh tự là Thiện Khanh, hiệu là Ngũ Phong, sinh năm Tân Dậu (1861), triều vua Tự Đức; từng giữ chức Án sát các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị. Năm Duy Tân thứ 2 (1908), cụ về kinh lãnh chức Thị lang Bộ Lại. 3 sắc phong của vua Thành Thái và Duy Tân cho cụ Tôn Thất Linh đều viết bằng chữ hán nôm về việc: phong Trung Thuận đại phu Án sát sứ tỉnh Thanh Hóa - Thành Thái năm thứ 14 (1902); phong Trung Nghĩa đại phu Quang Lộc tự khanh lãnh Án sát sứ tỉnh Thanh Hóa  - Thành Thái năm thứ 18 (1906); phong Gia Nghĩa đại phu hàm Thị lang Bộ Lại về hưu - Duy Tân năm thứ 2 (1908). Các tài liệu này đã được UBND tỉnh công nhận tài liệu đặc biệt quý, hiếm vào năm 2012.

 

Ông Tôn Thất Long trao bộ tài liệu đặc biệt quý hiếm của gia đình cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh
Ông Tôn Thất Long trao bộ tài liệu đặc biệt quý hiếm của gia đình cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Khánh Hòa


Bẵng đi một thời gian, bất chợt tôi nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ, kiêm Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh vui mừng báo tin, gia đình ông Tôn Thất Long có tâm nguyện hiến tặng bộ tài liệu đặc biệt quý, hiếm của gia đình cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Ngoài 3 đạo sắc phong trên, gia đình ông Long còn hiến tặng 8 châu bản triều Nguyễn về việc điều động và bổ nhiệm của Bộ Lại thuộc các triều vua Thành Thái và Duy Tân. Sở Nội vụ đã tổ chức lễ tiếp nhận bộ tài liệu này về Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Tại buổi lễ, trong bộ áo dài, khăn xếp truyền thống, thay mặt gia đình, ông Long đã trân trọng trao lại những tài liệu quý giá đã được dòng họ, gia đình gìn giữ hơn 100 năm qua với ước nguyện bộ tài liệu tiếp tục được giữ gìn, bảo quản tốt hơn, phát huy được giá trị của tài liệu.

 


Theo ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ, đây thực sự là món quà vô giá, nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Long khi đặt niềm tin vào cơ quan nhà nước có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản để phát huy được giá trị của bộ tài liệu. Hiện nay, nhiều tài liệu quý, hiếm do các cá nhân, gia đình, dòng họ bảo quản do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan bị mất mát hoặc phân tán ở trong và ngoài nước. Việc sưu tầm, lưu giữ bị mai một dần do không được bảo quản đúng cách và nguy cơ của việc săn lùng của các cá nhân nhằm sở hữu, thu lợi từ tài liệu quý hiếm ngày càng gia tăng. Vì vậy, nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Long là trường hợp đầu tiên tạo tiền đề, đặt niềm tin cho các cá nhân, tổ chức đang sở hữu, bảo quản tài liệu có thể đưa vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh thông qua hình thức hiến tặng, ký gửi... để được bảo quản tập trung và khai thác phát huy giá trị tài liệu do ông cha để lại; góp phần làm phong phú, tăng giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh.


Ở tuổi 84, ông Tôn Thất Long vẫn rất minh mẫn, tham gia sinh hoạt đều đặn ở Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh. Ông tự hào kể cho tôi nghe chuyện giữ gìn văn hóa truyền thống, hay chuyện khuyến học của tộc họ Nguyễn Phước ở Nha Trang. Hỏi ông có từng tiếc khi đã hiến tặng những tài liệu đặc biệt quý, hiếm này, ông chỉ cười sảng khoái bảo, gia đình đã thống nhất hiến tặng cho Nhà nước cho an tâm, vì tài liệu sẽ được bảo quản tốt hơn.


Nam Du