02:01, 27/01/2020

Phát huy hiệu quả nguồn lực dành cho tín dụng chính sách xã hội

Ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa cho biết, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh?
 
 
- 5 năm là khoảng thời gian chưa nhiều nhưng Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị ra đời tạo sự chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách; huy động, tập trung nguồn lực của địa phương vào việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội cùng với NHCSXH phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác truyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó góp phần giám sát, kiểm tra, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. 
 
Với sự sát sao của các cấp ủy, chính quyền và sự chủ động của NHSXH cùng với sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo đã giúp dòng vốn ngày một chảy mạnh và phủ rộng. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, NHCSXH tỉnh quản lý dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đạt 2.840 tỷ đồng dư nợ, với 118.379 hộ gia đình thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình đặc thù của tỉnh, tăng gần 1.155 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40. Đến ngày 31-12-2019, tổng dư nợ đạt 2.840 tỷ đồng, tăng 269 tỷ so với đầu năm (tăng trưởng 10,5%). Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng với chất lượng tốt, NHCSXH đã thực hiện phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội với 2.599 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn trong toàn tỉnh với 118.379 thành viên tự nguyện tham gia. Nhờ triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các cơ chế, nghiệp vụ; vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, trả nợ đúng hạn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,29% tổng dư nợ. 
 
Vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay để mua sắm vật tư, cây, con giống phục vụ sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị, ngư lưới cụ, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm… Qua đó, góp phần làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 24.342 hộ thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống; 2.588 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, tiếp sức cho những ước mơ đến giảng đường; tạo 11.250 việc làm nhờ được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 52 người được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn cho các hộ nông dân vay xây dựng mới, cải tạo 178.780 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường hợp chuẩn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi; cho vay xây dựng 193 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà vượt lũ; cho vay mua và xây dựng cải tạo 277 căn nhà ở xã hội. Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 từ 9,4% năm 2011 xuống còn 1,42% cuối năm 2015 và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,68% xuống còn 4,95% cuối năm 2018.
 
Thông qua thực hiện tín dụng chính sách đã gắn kết cấp ủy chính quyền, các hội đoàn thể với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách thoát khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, xã hội; nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương; hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen; gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
- Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, cùng với nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện đã dành nguồn lực đáng kể để ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Xin ông cho biết kết quả cụ thể?
 
- Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 2.840 tỷ đồng, trong đó: nguồn lực cân đối từ Trung ương gần 2.475 tỷ đồng, chiếm 87,15%, tăng 217 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn lực từ địa phương gần 365 tỷ đồng, chiếm 12,85%, tăng 52 tỷ đồng so với đầu năm. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Sở Tài chính và phòng tài chính - kế hoạch cấp huyện hàng năm căn cứ tình hình ngân sách địa phương, tham mưu bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến cuối năm 2019, UBND cấp tỉnh và cấp huyện chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 365 tỷ đồng, tăng hơn 203 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40. 
 
- Thưa ông, để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
 
- Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 trong thời gian tới, cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, HĐND, UBND các cấp trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện tốt nhất để NHCSXH triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên hàng năm tăng nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 
 
NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
 
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, NHCSXH tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội kịp thời; thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nhiệm vụ nhận ủy thác từ NHCSXH. Thường xuyên rà soát hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nắm bắt nhu cầu, tổ chức cho vay; hỗ trợ người vay về kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, Gắn hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hội nhằm gắn kết hội viên,  nâng cao trách nhiệm giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách từ cơ sở.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
NAM DU (Thực hiện)