28 tuổi, Đại úy Nguyễn Văn Thuận (Quyền Phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954) đã trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam. 6 năm gắn bó trên bầu trời, mặt biển với thủy phi cơ DHC-6, anh như "cánh chim" nối đất liền với Trường Sa.
28 tuổi, Đại úy Nguyễn Văn Thuận (Quyền Phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954) đã trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam. 6 năm gắn bó trên bầu trời, mặt biển với thủy phi cơ DHC-6, anh như “cánh chim” nối đất liền với Trường Sa.
Năm 2009, thi đậu vào 3 trường đại học nhưng Nguyễn Văn Thuận chọn học tại Học viện Hải quân, chuyên ngành đào tạo thuyền trưởng tàu mặt nước. Sau 2 năm học, anh được dự khóa học tàu ngầm tại Liên bang Nga. Trong thời gian này, quân đội có chương trình đào tạo về lái máy bay kiểu mới dành cho hải quân; vượt qua các vòng kiểm tra, anh Thuận là 1 trong 8 học viên đầu tiên được tuyển chọn sang Canada đào tạo lái thủy phi cơ. Đây chính là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh, chuyển từ học lái tàu mặt nước sang làm phi công.
“Sang Canada học tập, khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ, nhất là phải thành thạo các từ ngữ chuyên ngành kỹ thuật máy bay. Vậy nên, tôi miệt mài học tiếng. Sau 3 tháng, tôi là người đầu tiên trong 8 thành viên được tiếp cận lái thủy phi cơ DHC-6. Chỉ vài tháng sau, tôi được trao quyền bay đơn”, anh Thuận nhớ lại. Kết thúc khóa học 2 năm, anh được cấp bằng phi công quốc tế cá nhân và bằng phi công thương mại chở khách. Năm 2013, chuẩn bị về nước thì anh Thuận được giao nhiệm vụ mới, ở lại làm trợ giảng các khóa đào tạo kỹ thuật máy bay. Bên cạnh đó, anh còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác là đưa thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên từ Canada về Việt Nam. Chuyến bay kéo dài 50 giờ bay trên không, qua 5 quốc gia, vùng lãnh thổ, 7 sân bay với tổng quãng đường 14.000km liên tục trong 10 ngày. Ngày 29-10-2013, thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay Cam Ranh. Nhớ lại hành trình ấy, anh Thuận cho biết, đây thực sự là dấu ấn đặc biệt đáng nhớ, đầy vinh dự trong quãng đời phi công của mình.
Trở về nước, anh Thuận được Quân chủng Hải quân biên chế tại Lữ đoàn 954. Năm 2013, Lữ đoàn di chuyển từ Đà Nẵng vào Căn cứ quân sự Cam Ranh. Cũng từ đây, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, anh Thuận được đơn vị giao thực hiện những chuyến bay nối đất liền với Trường Sa.
6 năm với nhiều chuyến bay ra Trường Sa, Đại úy Thuận thừa nhận đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ khó, dù khoảng cách từ đất liền ra Trường Sa chưa đầy 2 giờ bay, nhưng những chuyến bay không hề đơn giản, chỉ một sơ suất nhỏ là máy bay có thể gặp sự cố. “Không chỉ vậy, đây còn là những chuyến bay hết sức đặc biệt, khi là chở nhu yếu phẩm, cải thiện đời sống cho quân dân đảo xa, cũng có lúc là chở những đoàn công tác lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra thăm Trường Sa. Nhưng những chuyến bay cứu hộ, cứu nạn mang lại cho tôi những cảm xúc hết sức khó tả. Tôi vẫn nhớ, có lần một bệnh nhân mê man vì bị tràn dịch phổi, bác sĩ yêu cầu cho bệnh nhân nằm mới có thể truyền dịch được, nhưng máy bay chỉ có ghế, không thể nằm được. Sau khi xin ý kiến thủ trưởng, tôi đã tháo hạ những chiếc ghế để lấy chỗ đặt băng ca cứu thương, giải quyết tình thế cấp bách và bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời”, anh Thuận tâm sự.
Lãnh đạo Lữ đoàn 954 đánh giá, trong thời gian công tác, bất cứ nhiệm vụ nào được giao, Đại úy Thuận cũng đều hoàn thành xuất sắc. Giờ đây, dù đã là phi công quân sự cấp I, chỉ huy đơn vị nhưng anh vẫn hăng say bay, tập, huấn luyện, truyền đạt kỹ năng, kỹ thuật cho các phi công của đơn vị. Anh như cánh “chim biển” không biết mỏi và hiện đã tích lũy được hơn 1.520 giờ bay.
THÀNH NAM
Đại úy Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1991) là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn quốc năm 2019. Anh được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen; được Trung ương Đoàn vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2018; Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2019…