10:09, 22/09/2022

Đánh giá cán bộ

Tại hội nghị ngày 21-9, có một nội dung quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tập trung thảo luận - đó là dự thảo Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo Quy định gồm 3 phần, 10 điều quy định về phạm vi, nguyên tắc, căn cứ đánh giá cán bộ; chủ thể giao nhiệm vụ, nhận xét, đánh giá và đối tượng áp dụng cụ thể; quy trình giao nhiệm vụ trong tâm; quy trình đánh giá kết quả thực hiện.

Tại hội nghị ngày 21-9, có một nội dung quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tập trung thảo luận - đó là dự thảo Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo Quy định gồm 3 phần, 10 điều quy định về phạm vi, nguyên tắc, căn cứ đánh giá cán bộ; chủ thể giao nhiệm vụ, nhận xét, đánh giá và đối tượng áp dụng cụ thể; quy trình giao nhiệm vụ trong tâm; quy trình đánh giá kết quả thực hiện.


Đánh giá cán bộ hàng năm là yêu cầu bắt buộc nhằm phân loại cán bộ. Tuy nhiên thực tiễn công tác đánh giá cán bộ trong toàn tỉnh thời gian qua cho thấy, việc đánh giá cán bộ chủ yếu bằng định tính, yếu tố định lượng chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa sát thực tế; chưa lấy kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm làm thước đo đánh giá cán bộ, dẫn đến tình trạng cán bộ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng uy tín không cao, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì thế, đã đến lúc cần thay đổi cách làm, cách đánh giá cán bộ quản lý, lãnh đạo bằng những thước đo cụ thể nhất, thông qua việc giao nhiệm vụ và đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chạy đua với thời gian để nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu các nghị quyết quan trọng của Trung ương về xây dựng và phát triển Khánh Hòa trong thời gian tới, với khối lượng công việc lớn như vậy đòi hỏi công tác cán bộ phải có sự đột phá, thực chất, chính xác hơn, chọn lựa được những cán bộ thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.


Có thể nói, đánh giá cán bộ là một trong những khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ có 4 khâu rất quan trọng: đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng, trong đó đánh giá cán bộ được coi là khâu đầu tiên. Đánh giá đúng thì bố trí, đề bạt đúng; đánh giá sai thì dẫn đến sử dụng sai, đề bạt sai sẽ hỏng cả việc chung. Quan trọng là trong khâu đánh giá phải thấy được những gì mà cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện trong công việc, trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách. Nếu đánh giá chỉ mang tính chung chung theo kiểu năm nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì sẽ dần tạo sức ỳ, không nỗ lực phấn đấu cho cán bộ, bởi tâm lý có làm hay không làm thì cũng được đánh giá tốt! Thế nên, việc ban hành quy định giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện là một cách làm hay, phương thức đánh giá được bổ sung những yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành, những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc; được lượng hóa bằng những tiêu chí cụ thể để bảo đảm đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên cán bộ làm việc có chất lượng, hiệu quả. Thông qua đó cũng sẽ chọn được những nhân tố nổi trội để xem xét, bổ nhiệm.


Chúng ta cũng cần phải hiểu, đánh giá không phải chỉ để đánh giá mà để sử dụng. Sử dụng cán bộ đúng sẽ tạo nên nguồn lực đội ngũ cán bộ trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương trong tình hình mới. Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá cán bộ là để cho mỗi người luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Đó cũng là thước đo chuẩn nhất để mỗi cán bộ hiểu đúng mình hơn, nỗ lực rèn luyện nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn…


LỆ HẰNG