09:10, 24/10/2019

Điều cần làm

Tháng 11-2018, cầu nối thôn Nước Ngọt và Bình Lập bị lũ đánh sập, hơn 300 hộ dân thôn Bình Lập bị chia cắt hoàn toàn. Để giải quyết tình trạng này, TP. Cam Ranh đã xây cầu và đường tạm cách vị trí cầu cũ khoảng 100m. Gọi là tạm nhưng kinh phí đầu tư cũng hơn 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, cầu tạm này cũng bị gãy sau cơn mưa lớn kéo dài hồi cuối tuần trước.

Tháng 11-2018, cầu nối thôn Nước Ngọt và Bình Lập bị lũ đánh sập, hơn 300 hộ dân thôn Bình Lập bị chia cắt hoàn toàn. Để giải quyết tình trạng này, TP. Cam Ranh đã xây cầu và đường tạm cách vị trí cầu cũ khoảng 100m. Gọi là tạm nhưng kinh phí đầu tư cũng hơn 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, cầu tạm này cũng bị gãy sau cơn mưa lớn kéo dài hồi cuối tuần trước.


Được biết, việc xây cầu mới bị vướng nhiều thứ, trong đó vị trí xây vướng quy hoạch dự án hồ chứa Nước Ngọt. Dự án này bao gồm xây dựng một đập dâng, có kết hợp đường giao thông trên đỉnh đập nhằm tạo hồ chứa nước. Vì thế, xây dựng cầu tại vị trí cũ sẽ không phù hợp với cao trình của hồ chứa. Tuy nhiên, dự án này chưa thể triển khai vì số vốn lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, việc xây cầu lại cấp bách hơn thì đến nay các ngành chuyên môn vẫn đang nghiên cứu. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh cân đối ngân sách, sớm khẩn trương đầu tư xây mới cầu Bình Lập trong năm nay. Có thể nói, đây là điều mong mỏi của 300 hộ dân ở Bình Lập, bởi còn bị chia cắt ngày nào họ còn khổ ngày ấy, muốn qua đất liền phải đi bằng ghe, thuyền, hết sức nguy hiểm trong mùa mưa bão.


Nhưng giá như các ngành chức năng nghiên cứu sớm hơn, tham mưu sớm hơn, quyết liệt hơn trong việc triển khai thì có lẽ đến nay đã có một cây cầu mới, đáp ứng việc đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân nơi này. Họ không phải thấp thỏm khi đi trên cây cầu tạm như lâu nay, nhất là trong mùa mưa bão. 2 tháng nữa là hết năm, liệu cây cầu mới có thành hình?


Tương tự, những hộ dân ở khu vực sạt lở xã Phước Đồng (Nha Trang), 1 năm sau đợt mưa lũ lịch sử năm trước đến giờ vẫn chưa “an cư lạc nghiệp”. Chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán bố trí tái định cư cho người dân. Còn người dân thì bám trụ nơi cũ, vì họ không còn cách nào khác. Phương án di dời dân khi có mưa lũ xảy ra vẫn là phương án tạm thời. Khi nào những hộ dân này mới thôi không còn cảnh mùa mưa thì chạy lũ, hết mưa thì quay về dựng nhà tạm, đối diện với những nguy hiểm trực chờ trước mắt?


Thời gian trôi rất nhanh, nếu chậm giải quyết rốt ráo những vấn đề này thì e rằng sẽ cứ quẩn quanh với những nỗi lo sập nhà, sập cầu như những năm trước. Bởi, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, không ai lường trước được mức độ nguy hiểm của thiên tai. Thế nên điều gì cần làm để hạn chế hậu quả khó lường thì nên làm sớm, làm kịp thời, bởi đằng sau đó không chỉ là sự đối phó với thiên tai mà còn là an toàn tính mạng của người dân.


Lệ Hằng