Sau mưa lũ, không khí đau thương còn bao trùm nhiều nơi ở Nha Trang. Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Phước Đồng... đây đó trắng bóng khăn tang. Nhiều địa phương đã ngồi lại rút kinh nghiệm. "Không kịp trở tay!" luôn là một bài học đau xót.
Sau mưa lũ, không khí đau thương còn bao trùm nhiều nơi ở Nha Trang. Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Phước Đồng... đây đó trắng bóng khăn tang. Nhiều địa phương đã ngồi lại rút kinh nghiệm. “Không kịp trở tay!” luôn là một bài học đau xót. Và, một trong những điểm yếu lần này là công tác tuyên truyền. Người dân chưa được cảnh báo một cách đúng mức. Cho nên, công tác ứng phó chưa hiệu quả.
Thảm họa gây ra bởi lượng mưa thực tế cao hơn gần gấp đôi so với dự báo, lại tập trung trong một khoảng thời gian quá ngắn. Theo lãnh đạo TP. Nha Trang, điều này không có trong kịch bản ứng phó thiên tai của thành phố. Do biến đổi khí hậu, thời tiết biến đổi bất thường, dẫn tới hậu quả khôn lường. Quả thật, chúng ta chưa lường được sự bất thường ấy, từ trong xây dựng kịch bản cho tới xử lý, ứng phó trên hiện trường. Vài năm trở lại đây, Khánh Hòa đã phải đối mặt với vấn nạn sạt lở đất. Đến thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, nhiều người mắt cứ đỏ hoe. Hoang tàn, tang thương quá! Câu chuyện Thành Phát hôm nay, câu chuyện Phước Lộc năm ngoái khiến người dân ven núi xã Phước Đồng đêm ngủ cứ ám ảnh mãi những cơn ác mộng mang tên sạt lở núi. Mà không chỉ có Phước Đồng. Hiện Nha Trang có tới 71 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao.
Điều dễ thấy là hầu hết nhà trên địa bàn có nhiều nguy cơ sạt lở đều được xây dựng trái phép. Người dân xây nhà tự phát, công trình hạ tầng cũng tự phát. Đường sá, điện đài dân tự kéo, tự làm. Người dân tự “bơi” trong điều kiện khó khăn. Cho nên rủi ro chồng lên rủi ro. TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chắc chắn sẽ phải có giải pháp phù hợp để người dân vùng này sống an toàn.
Rà soát lại những điểm có nguy cơ sạt lở cao là việc TP. Nha Trang phải làm. Sau đợt mưa lũ vừa rồi, có lẽ, các xã, phường thuộc TP. Nha Trang đã nhìn thấy rõ hơn những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Cho nên, không chờ cấp trên tiến hành rà soát, từng địa phương có thể tự xác định những điểm có nguy cơ cao. Từ đó, có kế hoạch di dời dân một cách kịp thời, triệt để. Có thể thấy, hậu quả nặng nề về người trong đợt mưa lũ vừa qua là do không di dời dân kịp thời. Cho nên, chuẩn bị ứng phó cơn bão số 9, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang Lê Hữu Thọ chỉ đạo quyết liệt, trước khi cơn bão số 9 đổ bộ phải di dời cho được 400 hộ ở 71 điểm xung yếu trên địa bàn.
Lũ đi qua. Ngổn ngang còn lại. Lực lượng bộ đội tăng cường về các địa phương bị thiệt hại để giúp dân thu dọn đổ nát, làm vệ sinh môi trường. Anh em làm việc nhiệt tình, cật lực, theo tinh thần người lính Cụ Hồ. Vậy mà, trong các quán nước gần đó, nhiều thanh niên địa phương vẫn tụ tập ung dung ngồi nghe nhạc, nhắm nháp cà phê, xem chuyện dọn dẹp kia dường như không phải... của mình. Không hiểu tâm lý ỷ lại này hình thành từ khi nào, đến nay thấy đã khá phổ biến. Có lẽ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần quan tâm nhiều hơn câu chuyện này, để giáo dục con em mình tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, làng xóm, rộng ra nữa là đối với quê hương, đất nước.
Dự báo, cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào Khánh Hòa. Nỗi ám ảnh của cơn bão số 12 năm ngoái vẫn còn đó. Nhận thức về phòng, chống bão của người dân đã được nâng lên khá rõ. Song, dường như chưa yên tâm, mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang Lê Hữu Thọ ân cần nhắc nhở người dân Nha Trang đừng thờ ơ với... bão; đồng thời kêu gọi người dân hãy chia sẻ, cùng chính quyền thực hiện tốt công tác di dời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của dân.
Cơn bão số 9 đang đến rất gần. Người dân đang cần được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao.
PHONG NGUYÊN