Theo quy định, những lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 5% và người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của người làm công việc trong điều kiện bình thường.
Theo quy định, những lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 5% và người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của người làm công việc trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, những lao động này được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật có trị giá bằng tiền tương ứng theo 4 mức từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng; nhiều chế độ về bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, khám bệnh định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp…
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp phớt lờ những quy định trên dẫn đến người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi. Trường hợp của anh Lê Văn Thành là một ví dụ điển hình. Anh Thành chuyên vận hành máy xe đá và bốc xếp đá trong một công ty chế biến đá granite ở huyện Vạn Ninh. Làm việc đã hơn 5 năm nhưng anh chưa nhận được bất cứ chế độ nào cho công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Công ty không nhắc đến chế độ này và ngay cả bản thân anh cũng không biết mình đang làm công việc được xếp vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại. Hàng ngày, anh cũng như nhiều lao động ở đây phải làm việc trong môi trường tiếng ồn inh ỏi và bụi đá.
Trường hợp anh Thành không phải cá biệt. Theo kết luận thanh tra 30 doanh nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố thì hầu hết các doanh nghiệp này đều không thực hiện những quy định dành cho người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Không những thế, có những đơn vị, doanh nghiệp còn chưa thống kê số người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đăng ký với các ngành chức năng. Nhiều đơn vị còn huy động công nhân làm thêm giờ vượt quá quy định, không bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc tiền, thực hiện chế độ tiền lương chưa đúng quy định, không khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho công nhân… Điều đáng nói, chính người lao động cũng chưa biết công việc mình đang làm nằm trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên họ không yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm quyền lợi cho mình.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị cố tình né tránh, ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn phải nâng cao trách nhiệm trong việc giám sát, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đoàn viên, người lao động; phối hợp với các ngành chức năng chủ động tuyên truyền, tư vấn, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người lao động để họ có thể đấu tranh với doanh nghiệp bảo đảm chế độ cho chính họ. Đối với người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hàng đầu trong thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Có như vậy, người lao động mới gắn bó với doanh nghiệp.
PHÚ AN