Mấy ngày này, dư luận cả nước sôi lên theo những kết quả điều tra vụ gian lận thi cử ở Hà Giang và Sơn La. Đúng là vụ việc chưa từng có, hay là có nhưng chưa từng bị phát hiện nên khiến dư luận tập trung cũng là điều dễ hiểu.
Mấy ngày này, dư luận cả nước sôi lên theo những kết quả điều tra vụ gian lận thi cử ở Hà Giang và Sơn La. Đúng là vụ việc chưa từng có, hay là có nhưng chưa từng bị phát hiện nên khiến dư luận tập trung cũng là điều dễ hiểu.
Thi cử gian lận thì thời nào cũng có. Học trò mỗi kỳ kiểm tra hay vào mùa thi, “phao” lận đầy người, các cơ sở photocopy ăn nên làm ra. Có năm thi xong, phao trắng sân trường. Trò thì vậy, còn các thầy cô cũng góp phần làm tình hình thêm mập mờ. Đã từng râm ran đường dây “chạy phúc khảo”, bởi nhiều trường hợp chỉ thêm 0,5 hoặc 1 điểm cũng đủ thay đổi cuộc đời, đậu vào trường đại học mong muốn. Nhưng gian lận theo cách… công nghệ hiện đại thế này thì đúng là xưa nay chưa thấy.
Ngày xưa, luật lệ nghiêm khắc là thế, việc sửa bài thi cũng vẫn xảy ra. Sử sách còn ghi, năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Khi đó ông nổi tiếng văn hay, chữ tốt nên mới có câu: “Văn như Siêu, Quát vô Đường Hán”. Trong khi chấm bài thi thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài. Đến khi bị phát giác, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Tiếc tài của ông, vua cho nhiều lần hoãn xử tội, giảm án, cuối cùng án Cao Bá Quát được đổi sang tống ngục. Sau đó vài năm, ông vào Viện Hàn lâm, lo việc sưu tầm và xếp đặt văn thư. Thấy tài thì tiếc, biết chết mà vẫn dám làm, chứng tỏ cái máu kẻ sĩ trong ông nó lớn biết chừng nào!
Sao mà thi cử năm nào cũng sôi sùng sục những chuyện thi cử? Trước đây, khi cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh, mỗi trường mỗi bộ đề, thì đến mùa thi, hàng vạn gia đình lếch thếch kéo nhau về các thành phố lớn, vạ vật ăn trọ ở nhờ, tốn kém kinh khủng cho xã hội. Sinh viên các trường đại học được mùa hè bận rộn khi tham gia tiếp sức mùa thi.
Rồi Bộ Giáo dục đổi mới, năm 2015 lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Mừng vì thoát cảnh khăn gói về các thành phố lớn đi thi. Nhưng năm đầu tiên cả nước tròn mắt nhìn cảnh phụ huynh thuê xe cứu thương hú còi chạy ra Hà Nội để kịp phút chót thay đổi nguyện vọng cho con(!) Thi cử gì mà chọn nguyện vọng trường như chơi chứng khoán, phải biết theo dõi, phân tích… Năm sau thì “mưa điểm 10”, đến nỗi thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 nhưng vẫn trượt đại học Dược! Còn năm nay thì đề ra khó và nhiều nội dung đến mức một giáo sư toán học nói cũng không thể đủ thời gian giải hết. Cũng may nhờ đề thi khó nên chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La mới lộ ra… Có người nói, mấy anh ấy điếc không sợ súng, ăn gian cỡ vài điểm, đủ lọt vô đại học chứ đừng ham thành thủ khoa nọ kia, có lẽ còn lâu mới lộ.
Chả biết sang năm, vào mùa thi mới con em chúng ta lại được thí nghiệm kiểu gì. Dư luận lại sôi sục theo cách nào...
Ngẫm lại câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Thi cử là bước đầu chọn lọc hiền tài mà cứ rối tinh rối mù thế này, chả hiểu nguyên khí đất nước rồi sẽ ra sao?
Thủy Ngân