08:07, 12/07/2018

Bài học gần dân

Cơn bão số 12 đã đi qua gần được 1 năm, kinh tế - xã hội dần ổn định sau những nỗ lực khắc phục của toàn tỉnh. Ngay từ đầu, chủ trương của tỉnh là việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại phải được thực hiện sớm, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác này, nhưng riêng huyện Vạn Ninh - nơi tâm bão đi qua, gánh thiệt hại nặng nhất - đến nay vẫn còn lùm xùm chuyện kê khai, lập danh sách các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại để được hưởng chính sách hỗ trợ.

Cơn bão số 12 đã đi qua gần được 1 năm, kinh tế - xã hội dần ổn định sau những nỗ lực khắc phục của toàn tỉnh. Ngay từ đầu, chủ trương của tỉnh là việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại phải được thực hiện sớm, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác này, nhưng riêng huyện Vạn Ninh - nơi tâm bão đi qua, gánh thiệt hại nặng nhất - đến nay vẫn còn lùm xùm chuyện kê khai, lập danh sách các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại để được hưởng chính sách hỗ trợ.


Danh sách 175 hộ do các xã lập ra không nhiều so với gần 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở Vạn Ninh. “So bó đũa…”, những tưởng đây là các hộ bị thiệt hại nặng nhất được các cán bộ xã tìm hiểu, tra và lập danh sách đúng đối tượng. Thế nhưng, danh sách này khi được công khai đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân, bởi lẽ phần lớn những hộ đó đều là người nhà, họ hàng của các cán bộ xã. Giải thích việc này, một vị phó chủ tịch UBND xã cho rằng người thân của họ cũng nuôi tôm, có thực hiện kê khai từ trước khi có bão(!). Nhưng theo kết luận thanh tra mới đây, toàn bộ các hộ nuôi trồng thủy sản đều không đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ, vì phần lớn đều không thực hiện kê khai. Hồ sơ của 175 hộ nói trên có đầy đủ các bản kê khai có xác nhận của xã, qua thanh tra cho thấy, các bản này đã được xã hợp thức hóa, xác nhận sau thời điểm xảy ra bão.


Hơn ai hết, cán bộ xã là người nắm rõ các quy định của pháp luật để triển khai nhưng họ cố tình làm sai, cố tình “không nghe, không biết, không thấy” những thiệt hại nặng nề hơn của những hộ khác. Việc làm này là gì, nếu không vì lợi ích cá nhân?


Thậm chí, ở xã Vạn Hưng, khi người dân đến nhờ ký giấy xác nhận mặt bằng nước để vay, gia hạn ngân hàng nhằm khôi phục việc nuôi trồng thủy sản, cán bộ xã đã yêu cầu nộp mỗi người 300.000 đồng, nếu không nộp thì không được xác nhận. Sau khi thu có giấy biên nhận và ghi nội dung là “Ủng hộ ngân sách địa phương”. Một kiểu tận thu của xã? Hay là làm khó dân? Cán bộ xã cũng có người thân nuôi tôm, nuôi cá bị thiệt hại, họ có vô cảm không khi cố thu tiền của những hộ này với cách làm mập mờ, khó hiểu như thế?


Báo chí gần đây có nói nhiều đến tình trạng vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức. Lẽ ra, làm được gì cho dân thì phải ưu tiên làm, lo được gì cho dân thì phải cố gắng hết sức, nhưng nhiều cán bộ, nhất là ở cấp xã lại không gần dân, sát dân, hiểu dân, chỉ biết lo thu vén lợi ích cá nhân. Ngay trong cơn bão số 12, nhiều cán bộ xã, trưởng thôn thay vì đến tận nơi kiểm tra, thăm hỏi người dân thì lại chạy xe ngang qua hỏi vọng vào “nhà có bị sao không ? ” rồi… đi thẳng. Như thế thì làm sao biết rõ để kê khai, lập danh sách cho chính xác, đúng đối tượng?


Bác Hồ dạy, muốn gần dân thì đừng xa dân. Nhiều nơi báo cáo rất hay về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhưng ngay trong bộ máy lại có những cán bộ vô cảm, thiếu trách nhiệm, xa rời quần chúng. Vì thế, cần loại bỏ, thanh lọc những “công bộc” kiểu này để bộ máy chính quyền luôn mạnh và vững.


HẢI NGUYỆT