Quốc hội vừa thông qua Luật An ninh mạng. Đây có lẽ là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong những ngày qua.
Quốc hội vừa thông qua Luật An ninh mạng. Đây có lẽ là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong những ngày qua. Dễ thấy nhất là trên mạng xã hội, rất nhiều luồng ý kiến xoay quanh nội dung này, đồng ý có, phản đối có, băn khoăn có… Có người bỏ thời gian ra đọc, nghiên cứu kỹ dự thảo luật để hiểu, nhưng cũng có không ít người chỉ loáng thoáng nghe nói cấm điều này điều nọ, thậm chí là sẽ không được dùng facebook nữa, cho rằng luật sẽ đưa Việt Nam trở về “thời kỳ tăm tối” nên ra sức phản đối!
Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Hiểu đúng. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, riêng tháng 2 và 3 có tới hơn 1.500 vụ tấn công mạng; khoảng 637.400 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính bị nhiễm mã độc (mạng máy tính ma - botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma. Đây là những con số đáng chú ý, cho thấy nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng. Vậy nên, cần thiết phải có hệ thống pháp luật cụ thể, rõ ràng để phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Trong rất nhiều khía cạnh “hiểu sai” khác của cư dân mạng, có người cho rằng cấm Facebook, Google... ở Việt Nam để xài mạng riêng giống Trung Quốc, hoặc chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước. Thật ra, đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên đã quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Như vậy, có thể khẳng định, Việt Nam không vi phạm các cam kết quốc tế. Mặt khác, Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, khi xây dựng Luật An ninh mạng, các công ty này cũng đã tìm cách tiếp cận nhằm đàm phán và chấp nhận các điều khoản quy định trong dự thảo luật, để họ vẫn có thể hoạt động một cách an toàn theo pháp luật Việt Nam, vì đây là một thị trường rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho họ, không có lý do gì để họ rời bỏ như dự đoán của nhiều người.
Riêng về vấn đề lo ngại lộ, lọt thông tin cá nhân, thậm chí là phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng cho Nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư..., đây là điều lại được hiểu sai hoàn toàn. Trong luật quy định rất rõ những hành vi nào bị cấm, những trường hợp nào phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Nói một cách dễ hiểu, luật có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo quyền con người; nếu không làm gì vi phạm pháp luật thì không có gì phải sợ, ngược lại nếu trường hợp bản thân bị xâm hại quyền hợp pháp thì đã có pháp luật bảo vệ.
Luật được tạo ra trước hết là để bảo vệ an toàn cho quốc gia và người dân. Dĩ nhiên, sẽ có những tranh cãi, thảo luận gay gắt, những quan điểm bất đồng về một nội dung nào đó. Nhưng trước những âm mưu thâm hiểm của các thế lực thù địch, mỗi người hãy tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết cặn kẽ về luật, đừng theo kiểu “thầy bói xem voi” hay a-dua theo một bộ phận, từ đó cố tình hiểu sai hoặc xuyên tạc, suy diễn về những điều lẽ ra phải được hiểu đúng, hiểu đủ.
NHÃ KỲ