11:05, 21/05/2018

Đằng sau cơn "khát" lao động

Liên tục từ năm 2017 đến nay, cơn "khát" lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hạ nhiệt, nhất là  doanh nghiệp may mặc, cơ khí, đóng tàu, chế biến thủy sản và dịch vụ, du lịch.

Liên tục từ năm 2017 đến nay, cơn “khát” lao động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hạ nhiệt, nhất là DN may mặc, cơ khí, đóng tàu, chế biến thủy sản và dịch vụ, du lịch. Mặc dù các DN đưa ra nhiều chế độ thu hút lao động, thậm chí nhiều DN lớn như: Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai  Vinashin, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty Hải Vương… còn đi trước một bước khi ký kết hợp đồng đào tạo, tuyển dụng với các trường nghề nhưng vẫn thiếu lao động. Ngay cả khi các ngành chức năng vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp, xây dựng chính sách hỗ trợ cho các DN thực hiện tuyển dụng, đào tạo lao động nhưng vẫn không khả quan. Trong khi đó, phần lớn DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ là DN vừa và nhỏ, mức độ sử dụng lao động không phải quá nhiều. Vậy tại sao lại có nghịch lý này?  


Để lý giải điều này, trước hết cần phải xem thực trạng về thu nhập, việc làm của công nhân. Các DN, nhất là DN chế biến hải sản, may mặc, cơ khí có mức lương khá thấp. Mặt bằng thu nhập của công nhân lao động phổ thông chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cường độ, kỷ luật lao động luôn ở mức cao vì môi trường sản xuất dây chuyền và công nhân phải chạy đua với lương sản phẩm. Với mức lương quá thấp so với nhu cầu tối thiểu của một gia đình, cộng với áp lực công việc căng thẳng thì chẳng mấy ai sẵn lòng làm việc, nếu không vì quá bức bách về nhu cầu thu nhập.


Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của vấn đề này chính là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến sự chuyển dịch về lao động. Những năm gần đây, lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn lớn mọc lên đã hút lượng lớn lao động. Các DN này trả lương cao hơn các DN sản xuất. Nhiều lao động làm ở DN sản xuất đã hơn 10 năm nhưng vẫn chấp nhận nghỉ việc để chuyển sang làm ở mảng dịch vụ, du lịch vì mức lương, điều kiện lao động đảm bảo hơn.


Ngoài ra, vài năm gần đây, Nha Trang - Khánh Hòa như một đại công trường xây dựng. Để đảm bảo đủ thợ, DN xây dựng đã nâng giá nhân công lên khá cao để hút lao động tới làm việc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi công nhân trong các nhà máy bỏ việc để đi làm thợ xây, phụ hồ.


Vấn đề trên đã đặt ra một bài toán cho các DN sản xuất công nghiệp và các nhà quản lý. Thực trạng chuyển dịch lao động này liệu có dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, vốn vẫn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh hiện nay và cả tương lai lâu dài? Để giải bài toán này, có lẽ những người có trách nhiệm sẽ phải tìm đúng vấn đề cốt lõi trong quan hệ lao động. Đó là, trong nền kinh tế thị trường, điều khiến người lao động gắn bó với DN là mức lương và chế độ đi kèm. Do vậy, để thu hút lao động và khiến họ gắn bó thì rõ ràng các DN phải bảo đảm thu nhập, xây dựng môi trường lao động an toàn, cải tiến công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.


PHÚ VINH