11:05, 10/05/2018

Chăm lo gốc

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong những nội dung quan trọng được quan tâm đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đang diễn ra.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong những nội dung quan trọng được quan tâm đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đang diễn ra.


Trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ trong từng thời kỳ cách mạng, từ lâu, đã được xác định như vậy, không thay đổi.


Do đó, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có tài, có đức để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo đồng chí Tổng Bí thư, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.


Những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ đã có tác động xấu tới tiến trình phát triển đất nước; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.


Hội nghị Trung ương 7 lần này quyết tâm trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp; vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng thực hiện hiệu quả lại thấp; vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai... Tổng Bí thư mong muốn hội nghị chỉ ra cho được vướng mắc chính là ở chỗ nào; cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa; chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì... Từ đó, xác định khâu đột phá trong công tác cán bộ là khâu nào.


Thực tế cuộc sống đòi hỏi cán bộ phải có tâm, có tầm và có tài. Ðánh giá đúng cán bộ luôn là một trong những cơ sở quan trọng phục vụ công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay, công tác đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức, viên chức; chưa cụ thể hóa được tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh, dẫn đến việc xem xét, đánh giá còn thiếu cụ thể, thiếu chuẩn xác. Mà, đánh giá không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ dễ dẫn tới hai cực đoan: một là chọn nhầm, hai là bỏ sót cán bộ.


Còn nhớ, sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất tâm đắc với quan điểm: đánh giá cán bộ, phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Còn từ xưa, xưa lắm, cổ nhân có dạy: Dụng nhân như dụng mộc.


PHONG NGUYÊN