Đã một thời, ngành Dân số vất vả theo đuổi các mục tiêu giảm sinh. Nhưng rồi đến nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều gia đình quyết định chỉ sinh 1 con để có cuộc sống đầy đủ. Điều băn khoăn trong công tác dân số là nhiều chỉ tiêu muốn giảm thì lại tăng và ngược lại chứ không bù trừ cho nhau.
Đã một thời, ngành Dân số vất vả theo đuổi các mục tiêu giảm sinh. Nhưng rồi đến nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều gia đình quyết định chỉ sinh 1 con để có cuộc sống đầy đủ. Điều băn khoăn trong công tác dân số là nhiều chỉ tiêu muốn giảm thì lại tăng và ngược lại chứ không bù trừ cho nhau. Vì vậy, câu khẩu hiệu một thời “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con” đã có sự thay đổi nhỏ: “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”. Nếu nhìn thoáng qua, sự thay đổi là rất ít, nhưng về nội hàm, nó chứa đựng cả một sự thay đổi về chiến lược dân số. Có không ít cách hiểu về khẩu hiệu mới này. Có người cho rằng nó khuyến khích công dân thành phố nên sinh đủ 2 con để rút ngắn khoảng chênh lệch mức sinh giữa thành thị và nông thôn. Có người hiểu là người dân cần phải sinh đủ 2 con để không bị già hóa dân số trong tương lai. Cũng có người suy luận rằng dù trai hay gái cũng nên có 2 con, không phân biệt nam nữ, không lựa chọn giới tính thai nhi để đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh…
Sinh bao nhiêu con là quyền của công dân. Từ trước đến nay, pháp luật không có quy định nào cấm hoặc khống chế người dân sinh bao nhiêu con. Tuy nhiên, việc sinh đẻ không phải chỉ là chuyện của mỗi gia đình mà còn là vấn đề của quốc gia, của dân tộc. Việc quyết định số con không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, với sự trường tồn, hưng thịnh của dân tộc. Vì vậy, có thể nói cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con” là cuộc vận động sâu rộng, chứa đựng nhiều thông điệp xã hội. Đó là một câu khẩu hiệu vận động sinh ít con ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; vận động sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế. Khẩu hiệu tuyên truyền này còn ẩn chứa ý nghĩa thực hành về bình đẳng giới, không phân biệt nam nữ, không lựa chọn giới tính thai nhi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đó còn là một trong những nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân về quy mô dân số, làm chậm quá trình già hóa dân số, kéo dài thời kỳ dân số vàng. Tuy nhiên, đó không phải là một câu khẩu hiệu nới lỏng, khuyến khích người dân sinh nhiều con như nhiều người cố tình hiểu nhầm, làm sai lệch ý nghĩa, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc trong một bộ phận người dân.
Các mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra cho công tác dân số đến năm 2030 là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống… So sánh tỷ lệ này ở Khánh Hòa hiện nay, số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 1,62 con (năm 2016 là 1,75 con). Tỷ suất sinh chung trên toàn tỉnh là 14,57‰, trong khi đó tỷ suất sinh của TP. Nha Trang giảm chỉ còn 10,6‰, nhưng 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vẫn còn trên 19‰. Tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh đã tăng lên 110,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Thế nên, câu khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con” càng có ý nghĩa trên địa bàn tỉnh.
Chuyện sinh con, bây giờ không còn là vấn đề riêng của cá nhân, gia đình mà đã trở thành vấn đề của cả cộng đồng, xã hội. Do đó, một công dân tốt, có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước thì phải hiểu và thực hiện đúng với quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước về dân số, mà cụ thể là thực hiện đúng tinh thần của câu khẩu hiệu nói trên.
L.K