Sáng 22-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Sáng 22-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, địa điểm xây dựng từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư xây dựng 654km; tổng mức đầu tư dự án 118.716 tỷ đồng; thực hiện từ năm 2017, cơ bản hoàn thành năm 2021.
Theo tờ trình của Chính phủ, Quốc lộ 1 hiện đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực đáp ứng khoảng 35.000 xe con mỗi ngày đêm. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, con đường này không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa - Đồng Nai và đến khoảng năm 2025 sẽ quá tải ở các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị; Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng; Quảng Ngãi - Khánh Hòa.
Theo các chuyên gia kinh tế, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam nằm trong hành lang giao thông phía đông, chạy gần như song song với Quốc lộ 1; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam; giải quyết một số hạn chế của Quốc lộ 1. Hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP. Cà Mau đã đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km. Giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất đầu tư các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; giai đoạn sau 2025 sẽ đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.
Có thêm một con đường huyết mạch, năng lực hạ tầng giao thông Khánh Hòa được nâng lên một bước. Bên cạnh đó, sẽ có thêm nhiều vùng đất mới mở ra, nhiều cơ hội phát triển. Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Nha Trang với sân bay Cam Ranh; đường Phạm Văn Đồng nối Nha Trang với Quốc lộ 1 là những ví dụ sinh động về câu chuyện này.
Theo đồng chí Lê Thanh Quang - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, liên kết các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận hướng tới mục tiêu vùng duyên hải miền Trung trở thành địa bàn trọng điểm thực hiện chiến lược kinh tế biển của nước ta. Trong đó, tập trung 3 nhóm ngành kinh tế chính: ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa, lịch sử) và khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển). Do đó, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Các tỉnh trong khu vực thống nhất kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trong vùng, đặc biệt là hoàn chỉnh việc định tuyến đối với tuyến đường cao tốc xuyên vùng; đường ven biển, tạo thành “mặt tiền” hướng biển của cả vùng.
Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy lẫn đường hàng không, là cửa ngõ lên Tây Nguyên, gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam, những con đường mới mở rộng rãi, hiện đại sẽ tạo cho Khánh Hòa nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mức sống của người dân.
PHONG NGUYÊN