05:11, 16/11/2017

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân

Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, thuyền viên nước ta bị nước ngoài bắt giữ.

Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, thuyền viên nước ta bị nước ngoài bắt giữ.


Theo đó, một số nội dung cần chú trọng gồm: hướng dẫn ngư dân nhận biết ranh giới vùng biển Việt Nam với một số quốc gia láng giềng, lưu ý các vùng biển chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm; các quy định trong hoạt động thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước thường xuyên có tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm; chủ trương, chính sách mới, các văn bản, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan đến biển, đảo; các điểm cần lưu ý khi khai thác tại các vùng biển; quy định bảo hộ công dân của Việt Nam, quy định pháp luật của nước ngoài trong việc xử lý tàu cá, ngư dân vi phạm quy định vùng biển nước ngoài...


Bên cạnh đó, vận động chủ tàu, ngư dân bám biển sản xuất trong phạm vi vùng biển của Việt Nam; tổ chức thành đoàn đội khi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, không đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, thường xuyên giữ liên lạc với các lực lượng chức năng Việt Nam.


Như Báo Khánh Hòa đã có thông tin, thông cáo báo chí ngày 25-10 của Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết, tổ chức này đã chính thức phạt “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản Việt Nam; đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam vào thị trường EU, nếu Việt Nam không giải quyết tốt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).


“Thẻ vàng” của EU sẽ gây thiệt hại không nhỏ trong các hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Để sớm gỡ “thẻ vàng”, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục được coi là giải pháp tích cực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ngư dân về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp giáp về khai thác hải sản trên biển; ngăn chặn, hạn chế tình trạng tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết của ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển; xử trí các tình huống xảy ra trên biển đúng chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước; khẳng định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam...


Ở trên là công tác tuyên truyền. Thực tế, hãy còn có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển quản lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu cá đánh bắt xa bờ trong công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên; yêu cầu chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng ký cam kết không bắt hải sản trái phép trên vùng biển của nước ngoài trước khi cấp mới hoặc gia hạn các loại giấy đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép; tăng cường công tác quản lý, giám sát các tàu cá hoạt động xa bờ, các vùng biển xa thông qua hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh; hệ thống giám sát theo dự án Movimar...


Thời gian chỉ có 6 tháng. Nếu Việt Nam không giải quyết tốt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, EU sẽ phạt “thẻ đỏ”, cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam vào thị trường EU - thị trường quan trọng của Việt Nam.


PHONG NGUYÊN