10:11, 09/11/2017

Còn chồi nảy cây…

Bão lũ, thiên tai là điều mà người dân miền Trung thương khó phải đối diện hàng năm. Nhưng bão đối với người dân Khánh Hòa hình như vẫn là điều xa lạ. Phải thôi, bao nhiêu năm nay chỉ có mưa lụt thôi, bão thì hầu như chưa từng nếm trải.

Bão lũ, thiên tai là điều mà người dân miền Trung thương khó phải đối diện hàng năm. Nhưng bão đối với người dân Khánh Hòa hình như vẫn là điều xa lạ. Phải thôi, bao nhiêu năm nay chỉ có mưa lụt thôi, bão thì hầu như chưa từng nếm trải.


43 người chết! Biết là bão quá dữ, điều gì cũng có thể xảy ra. Song con số quá đau lòng này hoàn toàn có thể hạn chế được, nếu như người dân không chủ quan, có ý thức tuân thủ tuyệt đối yêu cầu và hướng dẫn của chính quyền trong phòng, chống, tránh trú bão.


Vẫn biết là các lồng bè nuôi hải sản ở Vạn Ninh, Ninh Hòa là tất cả tài sản của người dân, là tiền vay mượn để hy vọng, là cuộc sống của họ… song không thể vì thế mà coi thường tính mạng của mình trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Tại sao các cấp chính quyền đã vận động, đã cưỡng chế những người trên các lồng bè vào đất liền, mà vừa quay đi, người dân đã lặng lẽ quay trở lại để… giữ bè?


Nếu trong ngày 4-11, sau khi bão đi qua nhưng sóng gió còn vô cùng lớn, chính quyền huyện Vạn Ninh và 1 doanh nghiệp trên địa bàn không ra sức đưa hơn 300 người đang tả tơi trên các bè nuôi bị sóng dập tan nát, số người chết sẽ còn tăng lên đến bao nhiêu?


Cơn bão số 12 đã thực sự trở thành một thảm họa thiên tai đối với Khánh Hòa. Thiệt hại về tài sản là quá lớn, song không gì có thể sánh được thiệt hại về nhân mạng. Đau lòng ở chỗ là thiệt hại này hoàn toàn có thể hạn chế được, nếu mọi người không chủ quan…


“Đừng than phận khó ai ơi; Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Người miền Trung luôn phải hứng chịu gió bão, thiên tai nhưng luôn kiên cường, biết nhẫn nại chiu chắt từ đống hoang tàn để gây dựng lại. Dẫu có trắng tay thì vẫn nuốt nước mắt, cắn răng động viên mình để mà gây dựng lại. Người còn thì của vẫn còn, người làm ra của chứ của đâu có làm ra người. Làm sao cho suy nghĩ này phải trở thành ý thức thường trực trong đầu của mỗi người dân? Làm sao cho mỗi một người tự biết quý trọng sinh mạng của chính mình, chứ không cần phải để chính quyền đôn đốc, nhắc nhở!


Rồi đây, với sự trợ giúp của chính quyền các cấp, với sự san sẻ của cộng đồng, sự chung tay của bà con thân thích, những người dân sẽ lại gầy dựng lại các lồng bè nuôi hải sản từ những tan hoang. Cuộc sống vẫn hối hả trôi đi.


Bài học nào cũng phải trả giá, nhưng bài học vừa qua, cái giá phải trả quá đau lòng!


Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!


Trần Duy