Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/NÐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tổ chức ngày 1-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến ngày 31-7-2017, cả nước đã có 761 tàu cá được đóng mới đi vào hoạt động...
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/NÐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) tổ chức ngày 1-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến ngày 31-7-2017, cả nước đã có 761 tàu cá được đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ; có 105 tàu cá được hoán cải, nâng cấp. Lực lượng này góp phần nâng cao đáng kể năng lực đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên, một trong những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67 là ngư dân rất khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng cho vay 27 tàu, số tiền cam kết cho vay 231,5 tỷ đồng và giải ngân 163,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên, trên địa bàn Khánh Hòa mới có một số ngân hàng như: Agribank, BIDV… tiến hành cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Còn rất nhiều ngân hàng thương mại chưa tham gia. Theo ông, đây là điều không thể chấp nhận được, bởi Nghị định 67 là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Khánh Hòa đã ban hành quy định nếu ngân hàng thương mại nào không tham gia cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thì cuối năm sẽ không xem xét thi đua, khen thưởng. Động thái này thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong huy động vốn cho đóng tàu theo Nghị định 67.
Còn nhớ, những năm 1995 - 1997, khi thực hiện chủ trương đầu tư tàu cá xa bờ, đã có một không khí thực sự sôi động trong nghề cá cả nước. Bởi chủ trương hợp lòng dân; có tính đột phá trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang đi ra từ bao cấp và kế hoạch hóa tập trung. Lượng tàu xa bờ tăng mạnh. Hệ thống cầu cảng, bến cá ven bờ, trên đảo được tập trung đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do phương cách tổ chức hoạt động chưa tốt, nhiều dự án thua lỗ. Từ giữa năm 2000, nhằm “cắt lỗ”, Bộ Thủy sản lúc đó chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển chủ sở hữu và bán lại các tàu cá thua lỗ. Có khoảng 200 tàu được chuyển nhượng. Nhưng, giá chuyển nhượng chỉ còn khoảng 30% giá trị ban đầu của con tàu. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng thương mại ngại cho ngư dân vay theo Nghị định 67?
Câu chuyện về tiếp cận vốn theo Nghị định 67 của ngư dân hiện đang là vấn đề lớn, cần có định hướng, giải pháp cụ thể. Chương trình đánh bắt xa bờ trước đây được đánh giá là chưa thành công như mong muốn nhưng đã đem lại cho chúng ta nhiều bài học hết sức sâu sắc, thấm thía, trong đó có những câu chuyện về vốn, về chính sách ưu đãi... Do đó, kinh nghiệm của chương trình này cần được mổ xẻ, đối chiếu để Nghị định 67 có nhiều điều kiện đi vào cuộc sống tốt hơn.
Bên cạnh giải quyết vấn đề về vốn, thực hiện Nghị định 67 cần phải chặt chẽ hơn, chu đáo hơn trong việc làm thế nào để có những con tàu thực sự có chất lượng; có tính năng khai thác phù hợp và đặc biệt là được tổ chức sản xuất theo một mô hình hợp lý, từng bước xóa bỏ tình trạng khai thác manh mún, nhỏ lẻ vốn cố hữu của nghề cá chúng ta.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện, sửa đổi Nghị định 67 cho phù hợp tình hình thực tế để có thể ban hành ngay trong quý IV/2017 và áp dụng đầu năm 2018.
Mỗi con tàu xa bờ vươn khơi mang theo nhiều khát vọng, không chỉ có làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển theo tinh thần Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, quyết giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, mỗi một con tàu xa bờ là cả một khối kết tinh lương tâm và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi con người trong từng phần việc cụ thể.
Năm 2020 đang gần quá!
PHONG NGUYÊN