Ngày 5-6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.
Ngày 5-6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 11-2016 đến hết tháng 4-2017, đoàn giám sát đã làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Qua giám sát cho thấy, văn bản chính sách pháp luật về ATTP thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời; từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP. Nội dung các văn bản pháp luật ban hành, về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, các văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa gây khó khăn cho việc áp dụng Luật ATTP. Vẫn còn quá nhiều văn bản gây chồng chéo, thậm chí rất nhiều văn bản không phù hợp với luật hiện hành, trong khi thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm thước đo, công cụ để các cơ sở, các địa phương tiến hành quản lý ATTP.
Tại phiên họp nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra các giải pháp về quản lý ATTP, đề xuất về nhân lực, kinh phí giải quyết cho vấn đề ATTP. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta khá đồng bộ, đầy đủ nhưng các khâu thực thi, kiểm tra và xử phạt vi phạm lại còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như hàng loạt vụ ngộ độc và tử vong do rượu vừa qua không truy tố được là vì chưa có căn cứ pháp lý. Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 38 về thi hành Luật ATTP; sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP theo hướng nghiêm khắc hơn; kiến nghị Quốc hội bổ sung các quy định xử lý nghiêm khắc vi phạm ATTP vào Bộ luật Hình sự...
Thực tiễn cho thấy, để siết chặt quản lý về ATTP trên địa bàn xã, phường, chính quyền cơ sở nắm bắt tốt các hoạt động sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Do vậy, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, nhất là ở cấp xã, phường trong công tác quản lý ATTP.
Một trong những giải pháp được quan tâm là công tác truyền thông thay đổi nhận thức người dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm. Công tác này phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục và lâu dài.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp. Nhưng còn trách nhiệm khác của doanh nghiệp, người sản xuất đã coi thường sức khỏe của người dân và chưa thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật ATTP. Ở diễn đàn này (kỳ họp Quốc hội - PV) chúng ta cũng kêu gọi lương tri của người sản xuất không vì lợi nhuận mà làm trái lương tâm, trái quy định của pháp luật”.
ATTP là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Do vậy, bên cạnh việc kêu gọi lương tri của người sản xuất, cần sớm có biện pháp xử phạt thật nghiêm khắc, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
PHONG NGUYÊN