11:05, 25/05/2017

Chính quyền điện tử

Câu chuyện UBND tỉnh Khánh Hòa ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Microsoft Việt Nam thực hiện đề án xây dựng TP. Nha Trang theo mô hình "Thành phố thông minh" đã mở ra hướng mới về phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Khánh Hòa.

Câu chuyện UBND tỉnh Khánh Hòa ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Microsoft Việt Nam thực hiện đề án xây dựng TP. Nha Trang theo mô hình “Thành phố thông minh” đã mở ra hướng mới về phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Khánh Hòa.


Theo bản ghi nhớ, sẽ ưu tiên triển khai xây dựng TP. Nha Trang theo mô hình “Thành phố thông minh”, thông qua các giải pháp ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực du lịch, quy hoạch thành phố, thành phố an toàn; nghiên cứu, đề xuất giải pháp và lộ trình phát triển ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, thương mại điện tử, công nghiệp và các lĩnh vực khác theo nhu cầu của tỉnh Khánh Hòa; đào tạo và phát triển nhân lực CNTT; triển khai, phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin và an toàn mạng; triển khai, phát triển các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ...


Chúng ta đều biết, công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành hoạt động của chính quyền luôn được người dân đặc biệt quan tâm; bởi nó thúc đẩy quá trình nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính quyền các cấp. Một trong những bước đột phá trong công tác cải cách hành chính chính là xây dựng CQĐT.


Từ năm 2015, UBND tỉnh đã có kế hoạch xây dựng kiến trúc CQĐT tỉnh Khánh Hòa theo mẫu đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Kiến trúc này đảm bảo khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin một cách thông suốt, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong tỉnh, các đơn vị ngành dọc Trung ương trên địa bàn tỉnh và với các bộ, ngành Trung ương; cho phép thiết lập, duy trì, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng hệ thống thông tin dữ liệu tin cậy và đồng bộ; kế thừa thông tin, dữ liệu, hạ tầng của các hệ thống thông tin có một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế.


Tuy nhiên, xây dựng CQĐT không chỉ có ứng dụng CNTT. Điều quan trọng nhất là phải rà soát, xây dựng quy trình quản lý và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Đây là điều Khánh Hòa đang tích cực hướng tới, thông qua chương trình cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính của mình.


Một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả thực hiện xây dựng CQĐT chính là xây dựng được hình mẫu “công dân điện tử”. Có CQĐT, có công dân điện tử, dịch vụ công trực tuyến sẽ phát huy cao nhất hiệu quả của mình. Sử dụng CNTT, người dân không phải trực tiếp đến UBND xã, phường; huyện, thị mà vẫn làm được những thủ tục cần thiết. Đây là sự kết nối hiện đại, người dân cần được hướng dẫn thấu đáo.


Có thể thấy, cả mô hình CQĐT lẫn thành phố thông minh đều phải coi trọng yếu tố con người. Có lẽ, xuất phát từ logic nói trên, bên cạnh việc xây dựng thành phố thông minh, ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Khánh Hòa với Công ty TNHH Microsoft Việt Nam còn hướng tới việc xây dựng những hình mẫu công dân thông minh.


Theo các chuyên gia về CNTT, để xây dựng thành công CQĐT, bên cạnh quyết tâm cao độ, các địa phương còn phải biết phát huy đúng mức các nguồn nhân lực, tài chính và chọn giải pháp công nghệ phù hợp.


PHONG NGUYÊN