12:05, 23/05/2014

Kiến thức hội nhập

Hội nhập, hội nhập quốc tế, những tiếng ấy nghe không lạ, có khi quen lắm.

Hội nhập, hội nhập quốc tế (HNQT), những tiếng ấy nghe không lạ, có khi quen lắm.


Hiện có rất nhiều khái niệm về HNQT. Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao, HNQT được hiểu như là quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết với nhau, dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực… và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế. Và, HNQT là xu thế tất yếu của nước ta, trong đó có Khánh Hòa.

Vận dụng nguyên tắc mở và biện chứng “Trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ,hợp tác; trong mỗi đối tác cũng có mặt cần đấu tranh”, Khánh Hòa đã có những bước đi phù hợp trong ngoại giao chính trị; thông tin tuyên truyền đối ngoại; ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân; công tác người Việt Nam ở nước ngoài; công tác biên giới, ngoại giao quốc phòng; quan hệ với các nước lớn, các nước trong khu vực; ngoại giao thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài…


Đến năm 2013, Khánh Hòa có quan hệ thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa với hơn 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 47 quốc gia so với 10 năm trước. Chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) cấp địa phương của Khánh Hòa xếp thứ 18/63, tỉnh thành cả nước; trong đó, xếp thứ 2/63 đối với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thứ 5/63 đối với các tiêu chí về du lịch, thứ 11/63 về thương mại… Trong khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên xếp thứ 4/14. Những kết quả ấy đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế dân doanh. Và đây là một trong những cơ sở quan trọng để Khánh Hòa có bước tăng trưởng ổn định, bền vững trong tiến trình HNQT.


Song, có thể thấy, nội dung HNQT trong chương trình công tác của nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực chưa thật cụ thể. Theo đánh giá của Ban Hội nhập KTQT của tỉnh, nhận thức về hội nhập KTQT của các sở, ban ngành, huyện thị, thành phố chưa sâu, chưa bám sát yêu cầu về hội nhập KTQT. Các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) do chưa nhận thức đầy đủ, chưa được trợ giúp hiệu quả để vận dụng được lợi thế ưu đãi của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký với các nước nên bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn quý báu.


Lâu nay, một số địa phương, ban ngành trong tỉnh có suy nghĩ rằng, HNQT là việc “vĩ mô”, thuộc tầm trung ương, tầm của tỉnh. Như vậy là chưa thấy rõ tầm quan trọng và nhu cầu gắn kết với địa phương nước ngoài. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự khiếm khuyết trong nhận thức của chúng ta về HNQT.


Như vậy, câu chuyện về HNQT không phải chỉ hiện diện trên bàn làm việc của cán bộ, công chức mà phải là của cả cộng đồng. Người dân cần có nhận thức rõ hơn về xu thế phát triển của địa phương, của khu vực và thế giới. Để làm gì vậy? Đơn cử như trên lĩnh vực văn hóa, có nhận thức tốt về HNQT, người dân sẽ có cách nhìn tốt hơn, có biện pháp bảo vệ tốt hơn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; cương quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, bài trừ những yếu tố ngoại lai gây hại, xâm phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.


Cho nên, HNQT, nhiều khi nghe quen lắm. Nhưng, từ quen cho đến hiểu thật kỹ, để có hành động phù hợp vẫn là một quãng đường dài.


PHONG NGUYÊN