21:42, 24/01/2024

Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương: Phải đề xuất được mô hình phù hợp

V.L

Mới đây, tại hội thảo (lần 2) xây dựng Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương do Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhiều đại biểu đã có những ý kiến tâm huyết để sớm thành lập trung tâm này. Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có những gợi mở quý báu cho các cơ quan trong quá trình xây dựng đề án.

Trải qua các hội thảo, cuộc họp, với nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành, dự thảo đề án xây dựng trung tâm đã được Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh dày công nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện. Đơn vị đã nghiên cứu các công trình của hơn 10 tổ chức quốc tế và 7 tổ chức trong nước nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ đại dương, như: Robot đại dương; quan sát đại dương; quản lý, phân tích đại dương; mô hình hóa đại dương; năng lượng tái tạo đại dương; công nghệ sinh học biển; bảo tồn biển xanh, phương tiện tự hành dưới nước (AUV), định vị, quản lý siêu dữ liệu, mô phỏng, đại dương số, chuyển đổi năng lượng sóng, thủy triều, thực phẩm, y sinh, viễn thám...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu
Ông Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội thảo.

Từ những kinh nghiệm ấy, đơn vị đề xuất nhiệm vụ của trung tâm là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhân lực chất lượng cao về công nghệ đại dương; liên kết, phát triển, tạo sản phẩm đổi mới sáng tạo đảm bảo bí mật quốc gia và an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đáp ứng các nhiệm vụ trọng điểm, kêu gọi đầu tư nước ngoài; đồng thời mở rộng thu hút doanh nghiệp về công nghệ đại dương… Trung tâm dựa trên 4 trụ cột chính là: Giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế đại dương bền vững; mô hình hợp tác công tư trên nền tảng đồng sáng tạo và chia sẻ lợi ích và rủi ro. Trung tâm có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với khu vực tư như: Hợp tác chuyên gia, đào tạo cung cấp công nghệ, quỹ đầu tư… Ngoài ra, trung tâm còn hoạt động theo cơ chế đặc thù, như: Được giao đất, thuê đất, mặt nước; thuê, mượn cơ sở vật chất thuộc hệ sinh thái… Giai đoạn đầu, Nhà nước cung cấp vốn, huy động tài trợ; trung tâm được hưởng cơ chế đặc thù trong nội dung chi sản phẩm thử nghiệm mới, đầu tư bên ngoài, xúc tiến đầu tư, hợp tác đa ngành…

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Ninh cho rằng, những vấn đề đặt ra liên quan đến cơ chế, chính sách, điều kiện hoạt động đặc thù của trung tâm nên tiếp cận ở cấp độ thẩm quyền của Chính phủ. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh, đề án cần tham khảo ý kiến của Bộ Nội vụ - cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ thực hiện các vấn đề liên quan đến thành lập bộ máy tổ chức, vận hành, chế độ, tiền lương… cho thật hoàn chỉnh trước khi trình Chính phủ. Ông nhấn mạnh, việc thành lập trung tâm là nhiệm vụ chính trị then chốt để thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ hội để tỉnh phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế biển - lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Ông Nguyễn Hải Ninh đề nghị nhóm nghiên cứu điều chỉnh lại kết cấu đề án; làm rõ khái niệm về công nghệ đại dương; phân tích thực trạng công nghệ đại dương trong nước, từ đó đề xuất định hướng phát triển các lĩnh vực công nghệ phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển của đất nước… Đặc biệt, cần xác định rõ mục tiêu của đề án và phải đề xuất cho được mô hình của trung tâm với tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, cơ chế đặc thù về tài chính, hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tương ứng từng giai đoạn phát triển, lớn mạnh của trung tâm...

V.L