Ngày 18-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp lịch sử với Cao ủy của Pháp ở Đông Dương Đô đốc D’Angenlieu tại vịnh Cam Ranh. Đây là lần duy nhất Người trở lại miền Nam kể từ khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
Tượng đài Bác Hồ tại Công viên 18/10 ở TP Cam Ranh. Ảnh: Văn Kỳ. |
Nhận được thông báo về bản Tạm ước 14-9 trong đó Pháp cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ và chấm dứt mọi hành động chiến tranh vào 30-10-1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Đô đốc D’argenlieu đã ngay lập tức gửi điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành Tạm ước, thực chất là để tiếp tục thực hiện toan tính của mình ở Đông Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp ở Đông Dương D’argenlieu ngày 18-10-1946 tại vịnh Cam Ranh. Trong suốt cuộc gặp gỡ với đại diện của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tài năng ngoại giao của mình với những câu trả lời khéo léo, nhưng thể hiện được quan điểm kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền vừa mới dành được. Theo đó, Người đã kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của D’argenlieu đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút quân về miền Bắc với lý do thực hiện nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bữa tiệc trên chiến hạm Suffer ở vịnh Cam Ranh đã trở thành một cuộc đấu trí tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một bên là viên Đô đốc Hải quân Pháp, một bên là Thống soái quân đội Pháp. Khi D’argenlieu bóng gió nói: “Thưa ngài Chủ tịch, Ngài thật đang bị đóng trong cái khung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười và trả lời: “Nhưng mà Ngài Đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung”. D’argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Những câu nói đầy mỉa mai của D’argenlieu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp trả bằng những câu trả lời vừa khôn khéo, vừa cương quyết.
Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định lại lập trường kiên quyết đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn đất nước của nhân dân Việt Nam trước đông đảo báo giới. Người nói: “Đô đốc và tôi đều có ý kiến cho rằng, các báo Sài Gòn và Hà Nội chỗ này, chỗ khác đã tỏ ra quá căng thẳng. Người ta có thể nói lên sự thật và dĩ nhiên không thể nào luôn luôn tặng hoa cho nhau, nhưng tránh được việc chửi rủa nhau. Bởi vậy nên chúng tôi cho rằng phải cố gắng đến mức tối đa theo hướng đó. Phải làm tất cả để chấm dứt cuộc chiến và làm nguội các đầu óc. Tôi tin rằng, bằng việc thực hiện một cách trung thực bản Tạm ước, chúng ta cải thiện được rất nhiều quan hệ của chúng ta trong khi chờ đợi cuộc họp vào tháng Giêng tới. Sẽ rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta sẽ cùng khắc phục vượt qua được”.
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy D’argenlieu là một sự kiện đã đi vào lịch sử của dân tộc ta. Thông qua cuộc gặp và việc ký kết bản Tạm ước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần xuất sắc bảo vệ chủ quyền và nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khi thế và lực của ta còn yếu. Nó cũng cho thấy chủ trương nhất quán của của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cố gắng đến tận cùng nhằm tìm ra một giải pháp để bảo vệ nền hòa bình mới giành được nhưng phải là nền hòa bình trong độc lập, tự do thực sự, tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc. Đối với những kẻ thù không chấp nhận, muốn dùng chiến tranh để thủ tiêu nền độc lập thống nhất đất nước thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do. Điều này đã được thể hiện rõ không lâu sau đó khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” sau khi thực dân Pháp trắng trợn phá bỏ Tạm ước 14-9 chỉ vài tháng sau khi nó được ký kết.
Ghi nhớ những lời của Người tại cuộc gặp với Cao ủy Pháp tại Đông Dương, trong hơn 7 thập kỷ qua, Đảng ta đã luôn nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Để làm được điều đó, cùng với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng và nhà nước ta đã chú trọng đẩy mạnh các kênh đối ngoại khác nhau với 3 trụ cột chính là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Thông qua các kênh đối ngoại, Việt Nam đã củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác song phương với nhiều quốc gia trên thế giới, gia nhập một loạt cơ chế đa phương quan trọng, đăng cai nhiều hội nghị cấp cao, đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Những bước đi này giúp nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia còn tồn tại, Đảng và Nhà nước đã luôn tỏ rõ lập trường kiên định và nhất quán là kiên quyết bảo vệ chủ quyền, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các bên trong khu vực.
Đ.T (Tổng hợp theo qđnd.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin