Trận chiến cảm tử của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 ở bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Câu chuyện về sự hy sinh bi tráng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã được nhiều người biết đến, nhưng thân thế, lý tưởng cách mạng của người thuyền trưởng anh hùng ấy không phải ai cũng tỏ tường.
Trận chiến cảm tử của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 ở bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Câu chuyện về sự hy sinh bi tráng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã được nhiều người biết đến, nhưng thân thế, lý tưởng cách mạng của người thuyền trưởng anh hùng ấy không phải ai cũng tỏ tường.
Trong ký ức đồng đội
Mỗi lần đến Ninh Vân, câu chuyện về trận chiến anh dũng của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 ở bến Hòn Hèo sáng 1-3-1968 lại dội về trong lòng. Quên làm sao được khi một phần thân con tàu lịch sử ấy vẫn còn hiện diện ở đây! Bia ghi công, khắc tên các liệt sĩ tàu C235 vẫn còn đây. Ngay trên bến Hòn Hèo này, tôi đã may mắn được gặp gỡ, nghe các cựu binh tàu C235: Lê Duy Mai, Lâm Quang Tuyến… kể về cuộc chiến sinh tử ấy. Chuyến hàng vào bến Hòn Hèo bị lộ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh thả vũ khí xuống lòng biển, chỉ huy anh em quyết liệt đánh trả cuộc vây ráp của kẻ thù. Khi tàu trúng đạn, biết không thể thoát được vòng vây, anh đã cho lệnh hủy tàu để tránh rơi vào tay địch. “Anh Vinh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ bị thương rời tàu bơi vào bờ, còn mình cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa cho nổ tàu. Sau khi vào bờ, hai anh kiên cường chống trả quân địch để cho chúng tôi rút lui lên núi, tìm con đường sống…”, cựu binh Lê Duy Mai - thợ máy tàu C235 nhớ lại.
Câu chuyện về đường Hồ Chí Minh trên biển, về con tàu C235 đã thành khúc tráng ca bất tử của những người giữ nước trên vùng biển Ninh Vân, Hòn Hèo. 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại ở bến Hòn Hèo. Các anh không sinh ra cùng một ngày, nhưng đã cùng nhau một ngày tạc vào lịch sử một chiến tích oai hùng, như một huyền thoại thời hiện đại. Trong dòng hồi ức, những người lính “tàu không số” năm xưa vẫn luôn nhắc đến thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh với lòng cảm phục vô hạn. Những từ như: thông minh, quyết đoán, dũng cảm luôn được những người lính già dành để nói về người chỉ huy tàu C235. Tôi còn nhớ, trong tập ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông của nhà văn Nguyên Ngọc, ông Nguyễn Long An - chiến sĩ tàu C235 hồi tưởng: “Ở đơn vị chúng tôi trong cuộc chiến đấu ở Biển Đông thời kỳ ấy, không thiếu gì những người anh hùng. Nhưng nếu được phép chỉ chọn lấy một người mà tất cả chúng tôi vừa cảm phục nhất, tôn trọng nhất, lại yêu quý gần gũi nhất, thì tôi chắc ai cũng sẽ chọn anh Phan Vinh… Gặp một người chỉ huy như vậy, lập tức thấy mình có thể giao phó sinh mệnh cho anh không chút phân vân”.
Sáng ngời lý tưởng cách mạng
Ghé thăm Trường THCS Nguyễn Phan Vinh (xã Ninh Vân), nhìn di ảnh của người thuyền trưởng tàu C235 lừng danh, tôi tự hỏi: Điều gì khiến các thủy thủ tàu C235 tin yêu, cảm phục người thuyền trưởng của mình đến vậy? Vài dòng tiểu sử ngắn ngủi lưu giữ ở đây dường như chưa lột tả hết được khí chất anh hùng, tinh thần cách mạng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Và tôi tin rằng, phải có điều gì hun đúc nên bản lĩnh, lý tưởng cách mạng sáng ngời của người thuyền trưởng anh hùng như nhà thơ Evgeny Evtushenko đã từng viết: “Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu”.
Kết nối với đồng nghiệp ở Quảng Nam, tôi đã có được một bức tranh “toàn cảnh” về gia đình của thuyền trưởng, anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Điện Bàn, Quảng Nam. Là con út trong gia đình có 9 người con, ngay từ nhỏ anh đã cứng cỏi, quyết đoán. 16 tuổi, anh đã làm liên lạc cho Huyện ủy Điện Bàn. Tháng 7-1954, anh nhập ngũ và ra Bắc… Ở quê nhà, những người thân của anh vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, bất chấp sự vây ráp, càn quét của quân địch. Trong khi Nguyễn Phan Vinh đang lênh đênh với những chuyến tàu vận chuyển vũ khí vào Nam, thì đầu năm 1963, ở quê nhà Quảng Nam, người mẹ của anh bị địch bắt khi tham gia chống càn. Địch đã đánh đập bà dã man đến chết. Cùng năm ấy, người anh trai Nguyễn Đức Lân hy sinh trên chiến trường. Không một tư liệu nào cho biết cảm xúc của anh khi ấy, nhưng chắc hẳn những dòng thư báo tin dữ từ quê nhà đã tiếp thêm lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu của anh. Giai đoạn 1963-1968, Nguyễn Phan Vinh đã tham gia chỉ huy 11 chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam với cương vị thuyền phó, rồi thuyền trưởng. Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến khi hy sinh trong trận chiến ở bến Hòn Hèo. Khi hy sinh, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã bước vào tuổi 35 nhưng anh vẫn chưa lấy vợ. “Anh Vinh thường bảo, đi “tàu không số” là cảm tử quân rồi, lấy vợ làm gì cho khổ người ta” - cựu binh Lê Duy Mai nhớ lại.
Theo các cựu binh tàu C235, từ những lời tâm sự thường ngày cho đến những lá thư mà thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh viết cho bạn bè, người thân đều thấm đẫm tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lá thư được thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh viết năm 1967 gửi cho bạn thân - đồng chí Trần Phong (nguyên Quyền đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân, nay là Lữ đoàn 125) là một minh chứng cho lý tưởng cao đẹp của anh: “Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân...”. Những dòng thư đó không chỉ là lý tưởng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mà còn là lý tưởng chung của cán bộ, chiến sĩ trên các chuyến “tàu không số”. Họ đi vào chiến trận với tinh thần lạc quan, với niềm tin chắc chắn rằng, sự hy sinh vì nghĩa của mình sẽ được nối tiếp, và cuộc chiến đấu này sẽ thành công. Niềm tin của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã sớm thành hiện thực. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã thành công vào mùa xuân năm 1975.
55 năm đã qua kể từ sự kiện tàu C235 ở bến Hòn Hèo, lớp cựu binh năm xưa không còn nhiều, nhưng các thế hệ hôm nay vẫn luôn nhớ về sự hy sinh của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội. Và tin rằng, trang sử ấy, lý tưởng cách mạng cao đẹp ấy sẽ còn sống mãi đến muôn đời sau.
Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ở quần đảo Trường Sa có hòn đảo mang tên Phan Vinh. Các trường học ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), Điện Bàn (Quảng Nam) có trường học mang tên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Ngoài ra, ở Nha Trang, Đà Nẵng… cũng có đường Phan Vinh, Nguyễn Phan Vinh. Năm 2011, tập thể tàu C235 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại bến Hòn Hèo, Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 chiến đấu anh dũng ở đây. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng tôn tạo khu di tích này. |
XUÂN THÀNH