Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1-3-1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 - 1976), vị tướng tài ba này đã chỉ huy, chỉ đạo tổ chức xây dựng đường Trường Sơn trở thành con đường Hồ Chí Minh huyền thoại kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1-3-1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 - 1976), vị tướng tài ba này đã chỉ huy, chỉ đạo tổ chức xây dựng đường Trường Sơn trở thành con đường Hồ Chí Minh huyền thoại kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Thời gian đồng chí làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo ra mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả 3 nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Đây thực sự là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km, đường sông dài 600km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350km. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ.
Công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km. Từ đó, hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800m3/ngày đêm trên một hướng. Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia, cùng các lực lượng hành quân trên đường Trường Sơn. Đặc biệt, trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá: “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn”.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, tuyến đường góp phần quan trọng vào các quá trình chiến đấu, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một phát kiến của nghệ thuật chiến tranh Việt Nam, lập nên những kỳ tích của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.
Bên cạnh việc góp phần vào chiến thắng của bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn nhận thức việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 9-1976, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế. Với vai trò mới, đồng chí đã đưa 28 vạn quân chuyển sang làm kinh tế trong thời bình, vừa tạo ra của cải cho xã hội, vừa trực tiếp bảo vệ những địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 2-1977, Bộ Chính trị và Chính phủ đã điều đồng chí sang làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng và sau đó làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ vào công việc và thường xuyên vào Nam ra Bắc để trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo các công trình trọng điểm của quốc gia. Đến tháng 2-1982, đồng chí được Chính phủ điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí tiếp tục thể hiện được tài năng trong việc quản lý điều hành và tháo gỡ những khó khăn của ngành. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Đồng chí được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1986 đến 1991.
Tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình; làm sao hiện đại hóa tuyến đường, khắc phục những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Tuy đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.
Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
T.K
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Bình)