10:07, 24/07/2022

Tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), chiều 23-7, tại huyện Cam Lâm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức lễ gặp mặt thân nhân gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma; cầu siêu tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma... 

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), chiều 23-7, tại huyện Cam Lâm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức lễ gặp mặt thân nhân gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma; cầu siêu tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Dự lễ có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
 
Mãi khắc ghi công ơn các liệt sĩ
 
Chiều dần tắt nắng, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ngập tràn cờ hoa. Dòng người đến thăm viếng, dự lễ tri ân, cầu siêu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma ngày một đông hơn. Trong không gian lắng đọng cảm xúc, ông Nguyễn Đình Khang đã ân cần thăm hỏi các thân nhân và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma năm 1988. Ông nhấn mạnh, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha, anh để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là rất cao quý. Sự dũng cảm, kiên cường của các anh hùng liệt sĩ mãi mãi là bản hùng ca, là ngọn lửa yêu nước được truyền lại cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau. Các anh đã trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, trở thành ngọn hải đăng dẫn đường, soi sáng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. 
 

 

1
Ông Nguyễn Đình Khang thăm hỏi, trao quà cho các thân nhân liệt sĩ Gạc Ma.
 
 
Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác Hồ, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động tri ân các gia đình anh hùng liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng. Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động, kêu gọi đoàn viên trong cả nước chung tay đóng góp kinh phí hơn 130 tỷ đồng xây dựng nên công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trên diện tích hơn 25.000m2. Công trình không chỉ mang ý nghĩa tinh thần to lớn, thể hiện lòng biết ơn của đoàn viên, người lao động và nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, mà còn góp phần tạo thêm địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Noi gương các anh hùng liệt sĩ, lớp lớp cán bộ công đoàn luôn phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong học tập, lao động, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
 
Trong số 64 thân nhân liệt sĩ Gạc Ma, có nhiều người ở các tỉnh, thành xa xôi nhưng vẫn cố gắng về dự đông đủ. Ông Nguyễn Đình Thế (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - con của liệt sĩ Nguyễn Tiến Doãn chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi tới nơi thờ tự cha tôi. Trở lại lần này, tôi thấy khu tưởng niệm giờ đây rất đẹp và khang trang nên cảm thấy rất ấm lòng, vinh dự, tự hào. Cha hy sinh khi tôi mới 2 tuổi. Qua lời kể của bà, ngày lên đường, cha tôi hứa cuối năm sẽ về, vậy mà cha đã đi mãi từ năm 1988 đến nay. Tôi mong ở suối vàng, cha và các đồng đội phù hộ cho gia đình và đất nước mãi bình yên”. 
 

 

1
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ân cần thăm hỏi, trao quà cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma. 
 
 
Khoảnh khắc linh thiêng 

Lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma diễn ra trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng ngay trước cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” trong khu tưởng niệm. Một bàn thờ lớn được lập trước cụm tượng đài; ở sát bờ biển cũng có một bàn thờ cầu vọng với lễ vật, hoa quả, bài vị 64 anh hùng liệt sĩ. Các chư tăng, hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng, ni, phật tử thực hiện nghi thức cầu siêu. Mọi người cùng thắp nén nhang thơm cho vong linh các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát, cầu khấn cho đất nước thanh bình, an lạc, người dân ấm no, hạnh phúc. 
 
Nhìn lên bàn thờ, bà Phạm Thị Huệ (sinh năm 1946, ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), mẹ liệt sĩ Lê Thế không kìm được xúc động khi nhìn thấy tên con mình. Khi cảm xúc nghẹn ngào đã lắng lại, bà Huệ nói: “Hôm nay, trở lại khu thờ tự của con và các đồng đội, chứng kiến khung cảnh xanh tốt, trang trọng; dòng người từ mọi miền đất nước đến thăm viếng, thắp hương, mẹ cũng rất mừng vì sự hy sinh của con để cho đất nước độc lập, tự do và được mọi người tưởng nhớ, tôn vinh. Mong con hãy yên nghỉ nơi suối vàng”…
 
Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn trong khu tưởng niệm bật sáng, cụm tượng đài kiêu hãnh trở nên lấp lánh. Trên con đường từ khu tưởng niệm hướng ra phía biển, những ngọn đèn hoa đăng được các thân nhân thắp lên như dẫn bước các anh hùng liệt sĩ đi về khu tưởng niệm... 
 
 
Tại lễ gặp mặt và cầu siêu, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao tặng mỗi gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma một suất quà trị giá hơn 5 triệu đồng.
 
VĂN GIANG