Luận bàn về tính trung thực, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã có những phân tích đa chiều để làm sáng tỏ nhận định: Trung thực là phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người, là phẩm chất hàng đầu của người cán bộ kiểm tra. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu bài viết của ông Hà Quốc Trị.
L.T.S: Luận bàn về tính trung thực, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã có những phân tích đa chiều để làm sáng tỏ nhận định: Trung thực là phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người, là phẩm chất hàng đầu của người cán bộ kiểm tra. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu bài viết của ông Hà Quốc Trị.
Đức tính cần thiết nhất ở con người
Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là tính trung thực. Trung thực có thể hiểu là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Người có tính trung thực là luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật. Trung thực dám bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê phán cái xấu, cái sai, cái giả dối.
Tính trung thực của con người được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc lỗi, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình. Xây dựng một tập thể, một tổ chức hoặc một xã hội rất cần những con người có đức tính trung thực, ngay thẳng, có trí tuệ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Mọi hành vi tiêu cực, dối trá, thiếu trung thực của cá nhân chỉ làm suy yếu tổ chức, chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ. Nói rộng ra, mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải xây dựng trên một nền tảng lương tâm trong sáng, trung thực mới mang lại hiệu quả tích cực, phát triển bền vững. Một lương tâm ngay thẳng sẽ bộc lộ tính trung thực trong suy nghĩ và hành động. Trái lại, một lương tâm đen tối, cá nhân, thấp hèn dù có được ngụy tạo khéo léo đến đâu sớm muộn cũng bị phơi bày, bộc lộ bản chất như trong dân gian vẫn thường nói “cháy nhà ra mặt chuột”. Sự thiếu trung thực, dối trá, vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, phê bình, góp ý... đã trở thành căn bệnh lây lan, làm xuống cấp đạo đức xã hội.
Khi nói đến tính trung thực của con người thì ta không thể tách rời phạm trù đạo đức. Đạo đức của con người bao gồm nhiều đức tính cần phải có như: Sự lễ độ, lòng tự trọng, tôn trọng, thật thà, giản dị, tiết kiệm, chí công vô tư, trung thực, tự tin, đoàn kết, dũng cảm, khoan dung, liêm khiết, giữ chữ tín, danh dự, lương tâm, lý tưởng… Trong những đức tính trên đức tính nào cũng quan trọng và cần phải có trong mỗi con người, nhưng có hai đức tính căn bản cho mọi thứ đạo đức là tính trung thực và lòng can đảm, trong đó tính trung thực là đức tính lớn nhất của ý chí. Xét cho cùng tính trung thực là sự can đảm của trí tuệ và lòng can đảm cũng là sự trung thực của ý chí. Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người vì nếu người ta không trung thực với chính bản thân mình thì không thể nào trung thực được với đồng chí, đồng nghiệp, tổ chức và xã hội.
Làm thế nào để giữ gìn phẩm chất trung thực?
Trung thực trong công tác là làm được đến đâu báo cáo đến đấy, không vì thành tích của cá nhân, gia đình, đơn vị mà báo cáo sai sự thật, có nhược điểm, khuyết điểm phải nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, có phương hướng và biện pháp cụ thể quyết tâm khắc phục, sửa chữa, không tìm mọi cách để ngụy biện, bao che, đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể, đổ lỗi cho người khác, đơn vị khác. Trung thực dám bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê phán cái xấu, cái sai, cái giả dối. Trung thực không thể “xu nịnh, a dua”, “gió chiều nào che chiều đó”. Trung thực xa lạ với “thói phô trương”, “nói một đằng làm một nẻo”. Hậu quả của căn bệnh không trung thực rất nguy hại cho xã hội. Nói dối khi thành thói quen, thành một thứ hiển nhiên thì sẽ làm lệch chuẩn mực, đảo lộn giá trị đạo đức. Sự dối trá đánh mất phẩm chất, nhân cách cao quý của con người đó là tính liêm sỉ. Sự dối trá lan truyền không được ngăn chặn đẩy lùi sẽ làm suy thoái, băng hoại đạo đức xã hội. Thực trạng của việc lừa dối, cơ hội, chạy chọt trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra trong nhiều năm qua mà xã hội lên án là rất đau lòng, gây bức xúc xã hội. Biểu hiện của thiếu trung thực, giả dối ở nhiều dạng khác nhau. Đó là các kiểu “chạy”, “mua”: Mua chức, mua quyền, mua tuổi, mua huân chương, mua dự án, mua bằng cấp, mua học hàm, học vị….; thậm chí là làm lý lịch giả, hồ sơ giả để đạt được địa vị thật; khoa trương, tô vẽ thành tích, đánh bóng tên tuổi, báo cáo, kê khai sai sự thật để được thăng tiến. Đó là kiểu “nghĩ khác”, “nói khác”, “làm khác”: Khi đương chức nói khác, khi về hưu nói khác, hành xử khác; với cấp trên nói khác, hành xử khác, với cấp dưới nói khác, hành xử khác; bịa chuyện như thật để nói xấu nhau, hạ bệ nhau.
Trung thực với tổ chức đảng là không giấu giếm sự thật về lịch sử gia đình, bản thân, không giấu giếm thiếu sót, khuyết điểm của mình, đơn vị mình, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trung thực với Đảng còn là không báo cáo sai sự thật về một sự vật, hiện tượng nào, không được nói sai sự thật về một con người, về một tổ chức, không nói sai sự thật về người khác để cho Đảng có thể đánh giá đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, đánh giá đúng bản chất của một con người, một tổ chức.
Người cán bộ kiểm tra phải luôn trung thực, liêm chính
Tính trung thực của cán bộ kiểm tra là ngay thẳng, trung thực, báo cáo đầy đủ, khách quan, trung thực mọi sự việc trong quá trình thực thi nhiệm vụ với các tổ chức đảng có thẩm quyền; làm được đến đâu báo cáo đến đó. Khi tham gia giải quyết các vụ việc phải báo cáo trung thực đầy đủ những thông tin liên quan đến đối tượng kiểm tra để các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kết luận, làm rõ đúng sai, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh với những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai; không nể nang, né tránh, không bị chi phối và chịu “sức ép” từ đối tượng kiểm tra.
Tính trung thực thuộc phạm trù đạo đức. Đạo đức là yếu tố quan trọng hàng đầu của cán bộ kiểm tra, đạo đức là tiêu chuẩn quan trọng nhất, sau đó mới đến tài năng. Tài và đức là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời nhau, trong đó đức là gốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Đạo đức chính là sự trung thực, thành thật. Trung thực đi liền với lòng can đảm. Sự can đảm ở đây là khả năng dám nói “không” với điều xấu, với cái sai, khả năng phân biệt, chọn lựa, bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước cái thiện và cái ác, đúng và sai, giữa lý và tình, khả năng độc lập trong tư duy và hành động, không chịu bất kỳ sự chi phối nào. Như thế, người cán bộ kiểm tra trung thực - can đảm sẽ vững vàng trong mọi tình huống, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao; biết chấp nhận những cái sai, lỗi của mình, tự tin và tự lập, biết nhận trách nhiệm và hậu quả do công việc mình đã làm. Những đức tính này giúp ta biết yêu thương, có lòng biết ơn, cộng tác và nâng đỡ người khác, cư xử lễ độ và tế nhị, biết suy nghĩ cân nhắc và tạo được sự tin cậy, biết động viên, chia sẻ trong cuộc sống và công việc; tạo lập bầu không khí, môi trường làm việc vui tươi, dân chủ, thẳng thắn, vì mục tiêu chung.
Sự thiếu trung thực của cán bộ kiểm tra thể hiện qua việc: Báo cáo sai sự thật, làm sai lệch hồ sơ vụ việc, báo cáo không trung thực, cắt xén bớt thông tin hoặc thông tin không đầy đủ về hành vi vi phạm có liên quan đến đối tượng kiểm tra vì động cơ cá nhân. Hoặc biết rõ về những hành vi vi phạm của đối tượng kiểm tra nhưng không báo cáo, không tham mưu, kiến nghị, đề xuất với những người có trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định... Những hành vi trên có thể do cán bộ kiểm tra chủ động thực hiện nhằm vụ lợi hoặc do có sự tác động nào đó mà phải thực hiện. Hệ lụy của sự thiếu trung thực này sẽ dẫn đến những hậu quả cho tổ chức và xã hội, làm sai lệch bản chất vụ việc, các tổ chức đảng có thẩm quyền và ủy ban kiểm tra xem xét, kết luận vụ việc thiếu khách quan, bỏ lọt vi phạm; cá nhân đáng phải xử lý thì không xử lý; xử lý không công bằng, nghiêm minh, oan sai, gây bức xúc cho đảng viên và tạo dư luận không tốt đối với xã hội. Khi xem xét, xử lý đảng viên vi phạm như vậy thì trước hết tổ chức đảng mất uy tín, sau đó là đến cán bộ kiểm tra, làm cho quần chúng nhân dân nghi ngờ về tính nghiêm minh của kỷ luật đảng. Cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, nhân dân mất niềm tin thì cán bộ kiểm tra rất khó làm việc vì họ không cung cấp thông tin, không hợp tác hoặc có phải hợp tác cũng miễn cưỡng.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nước ta đang tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, những mặt tiêu cực đang hàng ngày, hàng giờ tác động vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra gay gắt và phức tạp. Tình hình đó đặt ra cho ủy ban kiểm tra các cấp nói chung và cán bộ kiểm tra nói riêng nhiệm vụ hết sức nặng nề. Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí đấu tranh, có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định để quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm nêu gương, kiên quyết chống “Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, tư duy nhiệm kỳ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” (Điều 3, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm). Cán bộ kiểm tra là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc đấu tranh, chống lại những biểu hiện tiêu cực, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Trong cuộc đấu tranh đó đòi hỏi mỗi cán bộ kiểm tra phải trung thực, liêm khiết, gương mẫu trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thông nghiệp vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có dũng khí, kiên quyết đấu tranh với những việc làm sai trái để bảo vệ Đảng, bảo về chế độ; biết dựa vào sức mạnh của tập thể, của tổ chức để đấu tranh loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, giữ gìn sự trong sạch của Đảng. Nếu không làm được như vậy mà chỉ lo an phận, vun vén bản thân, vì lợi ích cá nhân, thủ tiêu đấu tranh là không hoàn thành nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định.
H.Q.T