Hội nghị tập trung giới thiệu một số điểm mới nổi bật, như: Phạm vi của giám định tư pháp; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp...
Sáng 18-12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp - GĐTP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021). Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu mục đích, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP năm 2012 (có hiệu lực từ năm 2013); phạm vi sửa đổi và một số nội dung mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP. Trong đó, có một số điểm nổi bật, như: Phạm vi của GĐTP; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp; bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức GĐTP theo vụ việc; trưng cầu GĐTP; thời hạn giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định…
Đặc biệt, nội dung quy định về thời hạn GĐTP đã khắc phục được tình trạng vô thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế. Theo đó, thời hạn GĐTP được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trung cầu giám định nhận được quyết định trung cầu giám định, kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Thời hạn giám định chỉ áp dụng đối với trường hợp không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và có thời hạn tối đa là 3 tháng. Nếu phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn tối đa là 4 tháng và chỉ được gia hạn không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. Quy định về thời hạn giám định tối đa 4 tháng đối với các vụ việc phức tạp, có nhiều nội dung yêu cầu giám định nhằm hạn chế kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng tới thời hạn tố tụng.
Tại hội nghị, một số cơ quan liên quan cũng trình bày các giải pháp bảo đảm triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, qua hơn 7 năm thi hành, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP, phục vụ việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật GĐTP năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập về mặt thể chế và công tác thi hành pháp luật.
N.V