10:11, 10/11/2020

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ ngày 21-10 đến 10-11, Báo Khánh Hòa đã mở chuyên mục "Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng" trên Báo Khánh Hòa và Khánh Hòa Online. 

Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ ngày 21-10 đến 10-11, Báo Khánh Hòa đã mở chuyên mục “Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” trên Báo Khánh Hòa và Khánh Hòa Online. Qua đó, tòa soạn đã nhận được hơn 20 ý kiến góp ý rất tâm huyết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân gửi đến, đã biên tập, chọn đăng 17 ý kiến. Kể từ số báo này, Báo Khánh Hòa kết thúc chuyên mục, tổng hợp những ý kiến tâm huyết mà bạn đọc trong tỉnh đã quan tâm góp ý vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.


Trước đó, Báo Khánh Hòa điện tử đã giới thiệu toàn văn dự thảo các văn kiện: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030;  Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

 


Qua tổng hợp, các ý kiến đóng góp cơ bản đánh giá các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, tổng kết thực tiễn sâu sắc, toàn diện, khách quan, nhiều chiều; bố cục chặt chẽ, nội dung có tính khái quát cao. Các dự thảo báo cáo đã thể hiện nhiều điểm mới, nhiều nhận định sâu sắc, phản ánh tư duy, tầm nhìn mới; chỉ ra những thành tựu quan trọng và dấu ấn nổi bật, hạn chế, yếu kém…


Trọng tâm là dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu bật được những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ qua, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; phân tích, đánh giá nghiêm túc những hạn chế, tồn tại; đồng thời, xác định được hướng đi, lộ trình, mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Trong dự thảo Báo cáo chính trị, Đảng ta từng bước hoàn chỉnh lý luận, đưa thành phần kinh tế tư nhân đúng vị trí, vai trò trong nền kinh tế đất nước. Đó là “khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”. Có thể thấy đây là một tư duy mang tính đột phá trong nhận thức và lý luận của Đảng về kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, Báo cáo chính trị đã nhìn nhận và định hướng về vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội còn chung chung. Tính ưu việt XHCN sẽ được thể hiện rõ nếu chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được định hướng cụ thể. Minh chứng sinh động nhất chính là đợt đại dịch Covid-19 và cách ứng phó với đại dịch của Việt Nam, dẫn tới những kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện tính ưu việt XHCN. Tính ưu việt này cần được nhân rộng.


Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 chưa đề cập sâu đến công tác cán bộ. Trong khi đó, việc lựa chọn, đề bạt cán bộ thực sự khách quan, dân chủ, bố trí đúng người, đúng năng lực, khách quan, không bè phái là vấn đề rất quan trọng, vì “cán bộ là cái gốc của cách mạng”; có dân chủ mới nâng cao được chất lượng công tác cán bộ, giúp kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng. Thực tế thời gian qua, toàn quốc đã phát hiện số cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật, tham nhũng và bị xử lý. Nội dung về tổ chức bộ máy, cải cách hành chính cũng cần nghiên cứu, phân tích kỹ để khi cải cách tránh rơi vào tình trạng thiếu cơ sở khoa học. Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi. Do đó, rất cần sự quan tâm sâu sát về công tác cán bộ. Nếu công tác cán bộ ở mỗi cấp, bộ, ngành, địa phương được quan tâm, hay người cán bộ có tâm, có tầm thì địa phương, bộ, ngành đó chắc chắn sẽ phát triển rất tốt…


Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về văn hóa, xã hội; các biện pháp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, chính sách tiền lương; hệ thống an sinh xã hội, xây dựng nền văn hóa, đạo đức con người Việt Nam; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ… Tuy nhiên, dự thảo nên bổ sung thêm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có phương án ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, dịch bệnh trong thời gian tới; nhấn mạnh hơn nữa kết quả của việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nông nghiệp hữu cơ, du lịch xanh... và định hướng phát triển cụ thể cho các ngành, lĩnh vực.


Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, các ý kiến đều cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí được Đảng chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu. Đây rõ ràng là một bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Dự thảo cũng đã chỉ rõ công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.


Anh Tuấn