10:11, 08/11/2020

Cần có chiến lược phát triển giao thông vận tải

Dự thảo các văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị hết sức kỹ càng, chặt chẽ, bố cục hợp lý; đánh giá được toàn diện quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ. Qua nghiên cứu, tôi thống nhất với các nhận định, đánh giá của Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội đến.

Dự thảo các văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị hết sức kỹ càng, chặt chẽ, bố cục hợp lý; đánh giá được toàn diện quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ. Qua nghiên cứu, tôi thống nhất với các nhận định, đánh giá của Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội đến.


Trong Báo cáo chính trị đánh giá, 5 năm qua, hạ tầng giao thông quốc gia đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, tạo đà cho nền kinh tế phát triển. Những dự án có tính động lực ngày càng được chú trọng, như: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hạ Long - cầu Bạch Đằng; các tuyến quốc lộ: Tân Vũ - Lạch Huyện, Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2); các hầm: Đèo Cả, Cù Mông; cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu.

Một trong những kết quả nổi bật của ngành giao thông đó là khơi thông được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa và đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư, một số dự án quan trọng đã hoàn thành như: Cảng hàng không Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn...


Tuy nhiên, để làm nổi bật hơn tính động lực của ngành giao thông vận tải trong bức tranh chung phát triển kinh tế đất nước, theo tôi cần phải đánh giá toàn diện hơn hệ thống cơ sở hạ tầng đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, những năm tới đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cần phải có chiến lược, đầu tư có trọng tâm và phân vùng kinh tế. Đặc biệt là giao thông thông minh, giao thông kết nối giữa các loại hình vận tải như: đường bộ, hàng không, cảng biển, đường sắt, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp. Ngành giao thông cần nhanh chóng hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành hơn 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cấp cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không trọng điểm; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đặc biệt, mạng lưới giao thông nông thôn, các tuyến đường huyện lộ, tỉnh lộ, giao thông các vùng ven chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, trong những năm tới cần được đẩy mạnh phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại.


Cùng với việc đầu tư hạ tầng, ngành giao thông cũng cần phải xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý hoạt động vận tải, nhất là phương thức vận tải kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông minh…


Thành Nam