Tìm hiểu về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, bản thân tôi nhận thấy ở nội dung về lĩnh vực văn hóa đã được nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn những mặt hạn chế của việc thực hiện xây dựng nền văn hóa trong thời gian qua.
Giải pháp phát huy giá trị văn hóa cần cụ thể, trọng tâm hơn
Tìm hiểu về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, bản thân tôi nhận thấy ở nội dung về lĩnh vực văn hóa đã được nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn những mặt hạn chế của việc thực hiện xây dựng nền văn hóa trong thời gian qua.
Tuy đã “bắt bệnh” được tình trạng của lĩnh vực văn hóa, nhưng trong phần định hướng, giải pháp để phát triển văn hóa thời gian tới vẫn còn chung chung, dàn trải; vẫn thiếu những giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm để kích thích, giải quyết rốt ráo từng mặt tồn tại. Nên chăng, chúng ta cần xác định tập trung khắc phục những vấn đề gì cấp thiết. Chẳng hạn, đó là các giải pháp để khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội; triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh… Có như thế, việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong những năm tới mới đạt được những kết quả thực chất, rõ ràng.
Dương Thị Ánh Đào
(Trường Chính trị tỉnh)
Ông Nguyễn Viết Nguyên (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang): Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ
Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tôi thấy trong dự thảo đã đánh giá chính xác về những hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Dự thảo đã xác định, nhiệm kỳ tới tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương KH-CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước sẽ có chiến lược phát triển KH-CN phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, rà soát bổ sung cơ chế chính sách, đặc biệt chính sách đặc thù sát với từng địa phương nhằm thúc đẩy sự đột phá như: Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao… Ngoài ra, cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực KH-CN; thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ KH-CN, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực KH-CN; tiếp tục phát triển thị trường KH-CN, hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH-CN…
Khánh Hà (Ghi)
Ông Phạm Văn Thơm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang): Cần giải quyết nhiều vấn đề về môi trường
Theo tôi, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị khá đầy đủ, toàn diện, có bố cục, kết cấu chặt chẽ, khoa học và hợp lý. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu bật được những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ qua, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; phân tích, đánh giá nghiêm túc những hạn chế, tồn tại; đồng thời, xác định được hướng đi, lộ trình, mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo Chính trị cần đề cập nhiều hơn các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu. Tôi xin nêu một số vấn đề dự thảo cần bổ sung và có hướng giải quyết như: Về ứng phó biến đổi khí hậu, hiện nay, nhiều nơi chưa dự trữ đủ nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và nuôi thủy sản nước ngọt trong khi dự báo thiếu nước ngọt trầm trọng thời gian tới; nhiều tuyến thoát lũ bị các dự án san lấp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; chưa có các giải pháp hữu hiệu để phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại do sạt lở đất, đặc biệt là bản đồ chi tiết về sạt lở; chưa có định hướng sản xuất cát nhân tạo trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên gần cạn kiệt. Chính sự thiếu hụt cát xây dựng dẫn đến việc khai thác trái phép bừa bãi gây sạt lở bờ sông, biển. Việc lấn biển tràn lan gây ra sự hủy hoại các hệ sinh thái biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và làm suy thoái các rạn san hô…
V.L (Ghi)