Sáng 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và các địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đầu cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Sáng 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và các địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đầu cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Tăng trưởng thấp
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của cả nước đạt 3,82%. Tuy đây là mức tăng trưởng cao nhất khu vực ở thời điểm hiện tại nhưng là mức thấp nhất của nước ta trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn 50% so với kế hoạch đề ra. Chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; thất nghiệp gia tăng, gây mất việc làm trong ngắn hạn. Các lĩnh vực: du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.
Đối với Khánh Hòa, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến các ngành, các lĩnh vực. So với cùng kỳ năm trước, 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 7,63%, doanh thu du lịch giảm 41,8%, số lượt khách lưu trú giảm 58,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng giảm 18,71%. Thu nội địa của tỉnh trong quý I được hơn 3.146 tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán và giảm 24% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp dù tăng 5,08% so cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch vẫn chưa đạt. Hiện nay, đã có hơn 17.000 lao động ngành Du lịch bị cắt giảm; 1.780 xe kinh doanh vận tải khách du lịch và hợp đồng ngưng hoạt động. Đến ngày 15-3, toàn tỉnh có 247 DN và 502 cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, với dư nợ bị ảnh hưởng gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 11,15% dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Trước bối cảnh suy thoái, Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Đặc biệt, trong năm nay, cả nước sẽ giải ngân gần 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (tương đương 30 tỷ USD), đây sẽ là động lực lớn cho phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, sẽ không để DN thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để DN tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay. Về chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và DN.
Ngoài ra, các vấn đề về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn cũng được hội nghị bàn luận. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là đối với nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá; đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn. Đây cũng là những vấn đề được lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm nhiều nhất tại hội nghị.
Đối với Khánh Hòa, để tháo gỡ các khó khăn, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ vay ngân hàng, giãn thời gian nộp thuế và nộp bảo hiểm xã hội mà không phải bị phạt do nộp chậm... đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương có những hỗ trợ kịp thời để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau khi hết dịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xúc tiến thị trường mới như: Úc, Ấn Độ. Đồng thời, xem xét miễn visa cho khách Nga từ 15 ngày lên 30 ngày đối với các nhóm khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nhóm khách theo tour đặc biệt khi đến Khánh Hòa. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ giới thiệu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của địa phương tiêu thụ vào các thị trường trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển các thị trường trọng điểm, tiềm năng để có thêm thị trường tiêu thụ mới.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ bổ sung số vốn còn thiếu là 436,381 tỷ đồng cho 21 dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, bổ sung số vốn còn thiếu đối với dự án Đường cất hạ cánh số 2 của sân bay Cam Ranh là 418 tỷ đồng, dự án Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư các công trình quan trọng như: đường giao thông ven biển, đê kè phòng chống ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả nước tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị; phải tập trung hơn nữa sức lực để chống dịch, tránh tình trạng trì trệ ở một số địa phương. Thủ tướng chỉ đạo, trong điều hành các cơ quan, địa phương phải sáng tạo và cụ thể hơn, biến nguy cơ thành cơ hội. Tất cả phải chung sức để đẩy lùi dịch bệnh và đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. “Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại hội nghị. Đặc biệt, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen; phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đình Lâm