Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, chúng tôi tìm về những nơi từng là cơ sở trong quá trình vận động thành lập Đảng tại Khánh Hòa, tự hào ôn lại những trang sử vàng trên quê hương cách mạng.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, chúng tôi tìm về những nơi từng là cơ sở trong quá trình vận động thành lập Đảng tại Khánh Hòa, tự hào ôn lại những trang sử vàng trên quê hương cách mạng.
Những cơ sở ban đầu của Đảng bộ tỉnh
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1930 - 1975), những năm 1925 - 1926, thầy giáo Hà Huy Tập (người Hà Tĩnh), sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng và thầy giáo Ngô Đức Diễn (người Nghệ An) được cử vào dạy học ở Khánh Hòa. Hai ông là những trí thức yêu nước, tham gia thành lập Hội Phục Việt, sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Thầy Diễn dạy học tại Trường Pháp - Việt Ninh Hòa; thầy Tập dạy tại Trường Pháp - Việt Nha Trang. Hai ông đã truyền bá tư tưởng yêu nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng cho nhân dân, trước hết là thanh niên, học sinh, công nhân lao động. Từ những hoạt động tích cực của thầy Hà Huy Tập và thầy Ngô Đức Diễn, cơ sở ban đầu của Đảng Tân Việt đã nhen nhóm, gây dựng tại thị xã Nha Trang và huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay).
Trong quá trình vận động thành lập Đảng ở Khánh Hòa, hệ thống tổ chức của Đảng bộ Tân Việt Khánh Hòa chuyển sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, sau đó chuyển sang Đảng Cộng sản Việt Nam trong một thời gian ngắn, không bị gián đoạn; cũng có một số cơ sở còn nguyên là Đảng Tân Việt chuyển thẳng sang Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ sở đầu tiên của Đảng bộ là Trường Pháp - Việt thị xã Nha Trang do thầy Hà Huy Tập làm nòng cốt cùng với các ông: Bùi Giao, Nguyễn Khắc Tài và Trường Pháp - Việt Ninh Hòa do thầy Ngô Đức Diễn làm nòng cốt cùng với các đồng chí: Dương Chước, Lê Dung. Ngày 24-2-1930, đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ký quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa được chính thức thành lập ngay từ ngày có quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam: ngày 24-2-1930.
Trở về nơi cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập từng dạy học và truyền bá tư tưởng cách mạng
Một ngày đầu xuân Canh Tý, chúng tôi đến thăm Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang), tiền thân là Trường Pháp - Việt Nha Trang. Trường được thành lập năm 1920. Sau giải phóng, từ trường tiểu học, trường được chuyển thành cơ sở dạy học cấp 3 với tên gọi Trường cấp 3 Nha Trang số 2 và ngày 15-10-1976 chính thức mang tên Trường cấp 3 Nguyễn Văn Trỗi. Trải qua nhiều thay đổi, từ năm học 2008 - 2009, trường mang tên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi như hôm nay.
Trong không gian nhỏ được bố trí làm phòng truyền thống của trường, chúng tôi không khỏi xúc động khi được xem những hình ảnh tự hào về mái trường. Đó là hình ảnh của Tổng Bí thư Hà Huy Tập; thầy và trò Trường Tiểu học Nha Trang năm 1929, một vài bức ảnh đen trắng hiếm hoi về thế hệ thầy và trò cách nay đã nhiều thập kỷ. Đó là hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Trỗi mà ngôi trường vinh dự mang tên. Tấm bảng ghi công những liệt sĩ là cán bộ, giáo viên của trường đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; danh sách các liệt sĩ từng là học sinh của trường đã xếp bút nghiên lên đường tham gia chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc và Tây Nam Tổ quốc. Bên cạnh đó, những hình ảnh tươi mới về Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi khang trang rợp bóng mát hôm nay; bảng vinh danh những thành tích mà các thế hệ thầy và trò nhà trường đã đạt được trong những năm qua… Chia sẻ cảm xúc về mái trường, em Bùi Vy Uyên, học sinh lớp 11B14 cho biết: “Chúng em rất tự hào được học tập trong ngôi trường có bề dày truyền thống. Chúng em sẽ luôn phấn đấu học tập, lao động tốt”. Được biết, năm học qua, Vy Uyên đã đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh để góp mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020.
Theo thầy Huỳnh Vĩnh Khang - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt được vun đắp qua bao thế hệ, năm học 2019 - 2020, trường tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy để tiệm cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, quan tâm chọn lọc, bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả năm học này, học sinh nhà trường đạt 31 giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Phát huy truyền thống cách mạng
Trường Pháp - Việt Ninh Hòa nay là Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã Ninh Hòa. Năm 2013, UBND tỉnh đã xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Trường Pháp - Việt Ninh Hòa. Trong buổi sáng đầu xuân, chúng tôi cùng ông Trịnh Đại Mỹ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ninh Hiệp và các học sinh Trường Tiểu học số 3 Ninh Hiệp tham quan di tích, ôn lại truyền thống lịch sử. Trường Pháp - Việt Ninh Hòa được xây dựng năm 1922 theo kiến trúc phương Tây. Di tích có bề dày lịch sử ngót trăm năm vẫn giữ được bộ phận kiến trúc, chất liệu xưa và tấm bia đá có ghi tên những người đã đóng góp xây dựng trường. Theo ông Nguyễn Ngọc Giới - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã, đây là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thị xã. Chỉ tính riêng năm 2019, trung tâm đã phối hợp mở 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 3.274 học viên.
Đến thăm ngôi nhà của đồng chí
Lê Dung (nguyên quán làng Mỹ Hiệp, huyện Tân Định nay là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), người Khánh Hòa đầu tiên được kết nạp vào Đảng Tân Việt - tổ chức tiền thân duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Khánh Hòa, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Dung từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời phụ trách Đảng bộ huyện Tân Định ngay khi Đảng bộ được công nhận thành lập ngày 24-2-1930. Ngôi nhà của đồng chí (nằm trên đường Trần Quý Cáp, gần cầu Dinh) từng là nơi diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình ngày 16-7-1930. Ngày này đã được Tỉnh ủy chọn là ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Ngôi nhà hiện nay là nơi sinh sống của gia đình ông Lê Toàn - con trai đồng chí Lê Dung. Thị ủy Ninh Hòa đã đề nghị công nhận ngôi nhà đồng chí Lê Dung là địa điểm di tích lịch sử của sự kiện cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Định. Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa và Thể thao: địa điểm nhà đồng chí Lê Dung đủ điều kiện lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử gắn với sự kiện cuộc biểu tình ngày 16-7-1930. Việc công nhận nhà đồng chí Lê Dung là di tích lịch sử sẽ tạo điều kiện để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, của quê hương Khánh Hòa.
NAM DU