09:12, 07/12/2017

"Nóng" vấn đề thu hồi đất làm dự án điện mặt trời

Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án điện mặt trời.

Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án điện mặt trời.


Điện mặt trời chiếm diện tích đất lớn


Tại kỳ họp, UBND tỉnh Khánh Hòa có tờ trình đề nghị thu hồi hơn 1.988ha đất để thực hiện 210 dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 170 dự án vốn ngân sách với tổng diện tích hơn 453ha, 40 dự án có vốn ngoài ngân sách với tổng diện tích gần1.535ha. Đáng chú ý, trong số các dự án ngoài ngân sách có 14 dự án điện mặt trời với tổng diện tích đất khoảng 1.239,88ha.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Ninh Hòa cho rằng: “Cần xem xét cẩn trọng việc thu hồi đất để làm các dự án điện mặt trời, bởi có những dự án chiếm diện tích đất rất lớn như dự án điện mặt trời Long Sơn (Ninh Sơn, Ninh Hòa) chiếm đến 200ha. Nếu không cẩn trọng, sau này người dân sẽ thiếu đất sản xuất”. Cùng quan điểm, đại biểu Phan Minh Lý - Chủ tịch HĐND TP. Cam Ranh cho rằng: “Chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời là đúng. Tuy nhiên, cần phải khảo sát kỹ càng, nhất là những khu vực tập trung nhiều dự án. Ví dụ như dự án ở xã Cam Thịnh Đông, tôi đang băn khoăn về tác động môi trường, hỗ trợ người dân chuyển đổi việc làm...”.


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho rằng: “Cần phải ủng hộ các dự án điện mặt trời đang đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các dự án điện mặt trời đã và đang được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Nếu chậm triển khai sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của chủ đầu tư (giá bán điện có thể thay đổi nếu dự án hoạt động sau ngày 30-6-2019) cũng như quy hoạch ngành Điện của tỉnh”.


Theo ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo chủ chốt. Dự kiến tổng công suất điện mặt trời đến năm 2020 sẽ đạt 850MW (tương đương 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12.000MW vào năm 2030 (tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện Việt Nam). Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.  Bộ Công Thương đã công bố mua giá điện mặt trời cố định ở mức 9,35 US cents/kWh đối với các dự án đưa vào khai thác trước ngày 30-6-2019. Thực hiện quyết định trên, quý I/2017, nhiều nhà đầu tư đã đến Khánh Hòa tìm hiểu về khả năng phát triển điện mặt trời. Qua khảo sát, các nhà đầu tư kết luận, Khánh Hòa là khu vực thứ 2 (sau Ninh Thuận) có tiềm năng về điện mặt trời. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư đăng ký 16 dự án điện mặt trời, trong đó có 2 dự án được thực hiện trên lòng hồ (không cần thu hồi đất), 14 dự án cần thu hồi đất. Tất cả các dự án đều đã lấy ý kiến từ cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có ý kiến chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời sớm thực hiện thủ tục đầu tư và kịp giải phóng mặt bằng trong năm 2018, để hoàn thành trong năm 2019 theo chủ trương của Chính phủ.

 

Quang cảnh kỳ họp

Quang cảnh kỳ họp

 

Sẽ xem xét cẩn trọng


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện để làm dự án điện năng lượng mặt trời vì đây là năng lượng xanh; các dự án này đều nằm trong quy hoạch năng lượng của Bộ Công Thương. Đất thu hồi phải là đất hoang hóa, đất sản xuất hiệu quả thấp, nếu không mạnh dạn thu hồi chuyển đổi mục đích, thì người dân sẽ khó thay đổi về sinh kế, vẫn mãi nghèo. “Quan điểm chung là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm dự án, tăng hiệu quả sử dụng đất, tuy nhiên vẫn phải xem xét cẩn trọng. Ví dụ, dự án Nhà máy điện mặt trời Long Sơn diện tích lên đến 200ha nên vẫn còn nhiều băn khoăn, cần phải kiểm tra xem bao nhiêu đất mía, bao nhiêu đất trồng keo, ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ gia đình?…”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.  


Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm thủ tục dự án điện mặt trời theo quy định. Tuy nhiên, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát hiện trạng sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất và không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân; không loại trừ việc diện tích để triển khai dự án điện mặt trời sẽ được rút ít lại”.


Do còn nhiều ý kiến băn khoăn, đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thống nhất tạm thời chưa thông qua danh mục 14 dự án điện mặt trời. Dự kiến, HĐND tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1-2018 để xem xét việc thu hồi đất thực hiện dự án điện mặt trời.


Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra xem xét lại hiện trạng sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất, năng lực của nhà đầu tư, phương án chuyển đổi sinh kế của người dân ở 14 dự án điện mặt trời để chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới. “Chúng ta không thể làm theo phong trào, bởi dự án điện mặt trời cần thu hồi diện tích đất rất lớn, liên quan đến đời sống của người dân nên cần phải cẩn trọng”, ông Lê Xuân Thân bày tỏ.


X.THÀNH -  H.LĂNG