09:12, 07/12/2017

Vốn đầu tư phát triển rất hạn hẹp

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VI đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2018. Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

 

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VI đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2018. Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  (KH-ĐT) về vấn đề này.


- Xin ông cho biết sơ bộ về kế hoạch đầu tư công của UBND tỉnh năm 2018?


- Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh năm 2018 là hơn 3.257 tỷ đồng (giảm hơn 177,8 tỷ đồng so với năm 2017). Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương gần 2.463,3 tỷ đồng (đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 1.827,6 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất trong cân đối hơn 635,6 tỷ đồng), nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 220 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển là 162 tỷ đồng, nguồn vốn khác là hơn 281,8 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ Quỹ phát triển đất của tỉnh là hơn 130 tỷ đồng. Các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH-ĐT.

 

Trên cơ sở đó, nguồn vốn được phân bổ cấp tỉnh quản lý là gần 2.388,2 tỷ đồng; cấp huyện quản lý hơn 868,9 tỷ đồng để bố trí vốn đầu tư cho nhiều công trình, dự án trọng điểm của địa phương trong năm 2018.

 

 

- Tỉnh sẽ phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung như thế nào, thưa ông?


- Theo thông báo của Bộ KH-ĐT, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung năm 2018 của tỉnh là 2.139,7 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, dự kiến khả năng thu ngân sách của tỉnh năm 2018 sẽ giảm 10% so với kế hoạch của Trung ương giao; vì vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi đầu tư của tỉnh.


Vì vậy, HĐND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công 2018 nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung là hơn 1.827,6 tỷ đồng (giảm gần 312,1 tỷ đồng (tương ứng 15%) so với con số thông báo của Bộ KH-ĐT năm 2018, giảm 152,769 tỷ đồng so với năm 2017). Với kế hoạch đầu tư công giảm như vậy, nên nếu phân chia theo cấp quản lý, cấp tỉnh sẽ giảm 8%, cấp huyện giảm 6,6% so với năm 2017.


Mặt khác, cơn bão số 12 gây thiệt hại lớn nên phải ưu tiên bố trí nguồn vốn để khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế, công sở… nên khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để phát triển kinh tế. Việc phân bổ nguồn vốn có một số thay đổi so với những năm trước, trong đó ngoài ưu tiên việc trả nợ nguồn vốn vay đến hạn; vốn đối ứng các khoản vay ODA, các dự án vay vốn nước ngoài, các dự án được ngân sách trung ương hỗ trợ, phải ưu tiên nguồn vốn giải phóng mặt bằng, bố trí vốn khắc phục các công trình bị thiệt hại, sau cùng mới đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế.


Theo đó, năm 2018, tỉnh sẽ dành 962 tỷ đồng (53%) trả vốn vay đến hạn; 286 tỷ đồng (15,8%) vốn đối ứng ODA, dự án vay nước ngoài…; 300 tỷ đồng (16,6%) dành cho chuyển tiếp các dự án từ năm 2017, dự án khởi công mới 51 tỷ đồng (2,8%), 100 tỷ đồng (hơn 5%) để khắc phục các công trình bị hư hỏng.


- UBND tỉnh sẽ có những giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công 2018?


- UBND tỉnh sẽ tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ. Theo đó, tỉnh sẽ không bố trí danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư năm 2018 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn nếu chưa được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn… Ngân sách nhà nước sẽ không bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31-12-2014 theo Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ.


UBND tỉnh sẽ phân bố chi tiết nguồn vốn đầu tư công khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão lụt gây ra (bao gồm: sửa chữa, khắc phục công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, trụ sở cơ quan, hạ tầng kỹ thuật) ngay sau kỳ họp HĐND này để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.


Căn cứ danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2020, các chủ đầu tư rà soát các hạng mục dự án, cắt giảm các chi phí, hạng mục không thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án và hiệu quả đầu tư, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tỉnh sẽ yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư; giãn tiến độ thực hiện sang giai đoạn sau đối với dự án khởi công mới do không cân đối đủ vốn theo tiến độ được duyệt. Không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, xử lý kịp thời các vướng mắc về cơ chế, thủ tục để thực hiện được kế hoạch đã đề ra.


Các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách địa phương, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ… năm 2018 đẩy nhanh tiến độ thi công và nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao; tích cực xử lý các vướng mắc phát sinh, rà soát các vướng mắc cụ thể về cơ chế chính sách đã ban hành làm ảnh hưởng đến công tác tạm ứng, thanh toán vốn (nếu có), báo cáo UBND tỉnh trình Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để xin ý kiến xử lý.


- Xin cảm ơn ông!


X.Thành (Ghi)