09:11, 21/11/2017

Vạn Ninh: Huy động tổng lực khắc phục hậu quả của bão

Ngày 21-11, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 trên địa bàn huyện Vạn Ninh và có những chỉ đạo cụ thể.

 

Ngày 21-11, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 trên địa bàn huyện Vạn Ninh và có những chỉ đạo cụ thể.

 

Đồng chí Lê Thanh Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra

Ông Lê Thanh Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra


Ông Lê Thanh Quang đã kiểm tra thực tế tại Trường THCS Văn Lang (thị trấn Vạn Giã) và Trạm Y tế xã Vạn Thắng. Đây là 2 cơ sở phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Đến nay, 2 đơn vị này đã khắc phục sơ bộ, đảm bảo cho công tác dạy học và khám, chữa bệnh cho người dân. Ông Lê Thanh Quang yêu cầu lãnh đạo 2 đơn vị tiếp tục duy trì công tác dạy học và khám, chữa bệnh. Huyện Vạn Ninh và lãnh đạo ngành Giáo dục khẩn trương thống kê thiệt hại của các cơ sở trường học, trạm y tế, trên cơ sở đó đề xuất tỉnh để có hỗ trợ kinh phí sửa chữa, khắc phục những hư hại. Trong quá trình khắc phục phải tận dụng những vật dụng còn có thể sử dụng được để tránh lãng phí, giảm bớt chi phí.

 

Kiến nghị nhiều vấn đề


Làm việc với lãnh đạo huyện Vạn Ninh, ông Lê Thanh Quang yêu cầu địa phương báo cáo nhanh về công tác khắc phục hậu quả; kiến nghị những vấn đề trọng tâm, cần thiết. Đồng thời, các sở, ngành phải đưa ra những giải pháp, hướng hỗ trợ giúp huyện Vạn Ninh khẩn trương khắc phục hậu quả do bão.


Theo ông Võ Hoàn Hải - Bí thư Huyện ủy huyện Vạn Ninh, công tác khắc phục của huyện còn khá bộn bề. Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất và tiếp tục cho các hộ vay vốn ưu đãi tái sản xuất. Đồng thời, nên có chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ bị thiệt hại nặng.

 

Đồng chí Lê Thanh Quang kiểm tra thiệt hại và công tác khắc phục tại Trường THCS Văn Lang

Ông Lê Thanh Quang kiểm tra thiệt hại và công tác khắc phục tại Trường THCS Văn Lang

 

Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, huyện có hơn 800 chiếc tàu thuyền bị chìm, mất tích và hư hỏng nặng. Theo quy định, mức hỗ trợ chỉ tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị tàu. Do vậy, ngành Nông nghiệp nên sớm có hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ tàu thuyền, ngư lưới cụ để sớm hỗ trợ cho bà con. Bên cạnh đó, hiện nay, 100% lồng bè đều làm bằng gỗ nên không đảm bảo an toàn, hệ lụy đến việc giữ rừng. Do đó, về mặt lâu dài, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu vật liệu khác để thay thế. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nuôi mới để đảm bảo an toàn cả người và tài sản. Ngoài ra, khi xảy ra bão, huyện còn lúng túng trong việc ứng cứu người bị nạn, bị cô lập do thiếu phương tiện cần thiết. Chính vì vậy, tỉnh cần đầu tư phương tiện cho huyện để phục vụ công tác tuần tra an ninh, ứng cứu người trong tình thế nguy kịch.


Còn ông Huỳnh Ngọc Thơ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện cho biết, Mặt trận tỉnh cần sớm giải ngân nguồn hỗ trợ để người dân sớm khắc phục; các ngành chức năng nên giới thiệu, liên kết các doanh nghiệp cung ứng vật liệu phong phú, giá ưu đãi cho bà con. Đồng thời, đề xuất các đơn vị quân đội tiếp tục cử lực lượng trực tiếp xuống giúp dân xây dựng nhà ở để giảm bớt chi phí, do nguồn hỗ trợ còn hạn chế…


Được biết, tổng thiệt hại về giao thông, thủy lợi, trường học, trụ sở cơ quan, cơ sở hạ tầng của Vạn Ninh hơn 155 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách huyện chỉ cân đối được khoảng 8,5 tỷ đồng. Theo quy định của UBND tỉnh, mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản do thiên tai là 30% từ ngân sách huyện, 70% từ ngân sách tỉnh và Trung ương. Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại quá lớn, trong khi khả năng hỗ trợ của huyện không đủ. Đối với cây lâu năm, cây ăn quả, rừng trồng mức hỗ trợ chỉ 4 triệu đồng/ha là quá thấp so với chi phí đầu tư của người dân.

 

Người nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh đang khắc phục lồng nuôi để tái sản xuất

Người nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh đang khắc phục lồng nuôi để tái sản xuất

 

Nhiều hướng hỗ trợ khắc phục


Qua báo cáo, kiến nghị của huyện Vạn Ninh, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã giải trình và có những ý kiến cụ thể cho từng vấn đề để giúp huyện Vạn Ninh sớm khắc phục hậu quả. Về vấn đề hỗ trợ xây, sửa nhà cho các đối tượng chính sách, ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ theo quy định của Trung ương 20 triệu đồng, của Mặt trận 20 triệu đồng; hộ cận nghèo Trung ương hỗ trợ 20 triệu đồng, Mặt trận 10 triệu đồng; hộ có hoàn cảnh khó khăn Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng, Mặt trận hỗ trợ 5 triệu đồng. Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục họp bàn với các sở, ngành để thống nhất mức hỗ trợ cho các đối tượng còn lại.

 

Theo báo cáo của huyện Vạn Ninh, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại cho huyện khoảng 4.886 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, toàn huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, có 50 trường với 80 điểm trường học đã được khắc phục tạm thời, học sinh đã đi học trở lại. Điện, đường, vệ sinh môi trường cũng đã được khắc phục cơ bản. Huyện đã trích hơn 216 triệu đồng để thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình có người bị chết, bị thương nặng; cấp hơn 368 tấn gạo hỗ trợ cho 7.091 hộ. Thành lập 10 tổ công tác trực tiếp xuống các xã, thị trấn thống kê những hộ bị thiệt hại về nhà ở. Trên cơ sở đó, tạm ứng hơn 11,9 tỷ đồng để hỗ trợ (đợt 1) với mức 10 triệu đồng/hộ bị sập nhà hoàn toàn và 5 triệu đồng/hộ nhà bị hỏng nặng. Mặt trận huyện đã tiếp nhận và phân bổ hơn 6,5 tỷ đồng (tiền mặt và hiện vật) cho người dân...

Ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành sẽ thống kê thiệt hại của những hộ nuôi thủy sản, đề xuất tỉnh có chính sách giảm nợ, khoanh nợ, cho vay ưu đãi để người dân tái sản xuất. Đồng thời, thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản để tránh tình trạng xâm chiếm vùng nuôi; tăng cường quản lý, giám sát, khuyến cáo người dân không thả nuôi ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đặc biệt, ngành sẽ tiến hành nghiên cứu công nghệ mới của Na Uy, cách làm lồng bè bằng vật liệu composite của ngư dân tỉnh Nghệ An để chuyển giao cho ngư dân.


Còn về vấn đề khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ vay vốn ngân hàng, ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chia sẻ, hiện nay, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các địa phương để thống kê, phân loại, có xác nhận từ các cấp có thẩm quyền về các khoản nợ của doanh nghiệp, hộ dân. Trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu, miễn, giảm nợ có thời hạn từ 5 đến 10 năm cho doanh nghiệp và hộ dân. Đồng thời, dựa trên khả năng tài chính, các tổ chức tín dụng có thể tự giảm lãi cho người dân và cho vay tái đầu tư.


Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Quang chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương cần xác định những công việc cấp bách, cấp thiết để tập trung giải quyết trước. Trong điều kiện nguồn hỗ trợ của Trung ương còn hạn chế, huyện Vạn Ninh và các sở, ngành cần huy động tổng lực từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, với tinh thần mọi người, mọi cấp cùng tham gia. Việc hỗ trợ phải được lập danh sách cụ thể, đúng đối tượng, niêm yết công khai, giám sát chặt chẽ tránh việc lợi dụng để thu lợi bất chính. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương quy hoạch và khống chế quy mô nuôi trồng thủy sản; tập trung hỗ trợ giống cây trồng ngắn ngày, rau màu cho người dân sản xuất. Ngành Ngân hàng cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ, cho vay ưu đãi để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống…


VĂN GIANG