UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về việc hỗ trợ cho người dân sửa chữa nhà và khắc phục thiệt hại về thủy sản.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về việc hỗ trợ cho người dân sửa chữa nhà và khắc phục thiệt hại về thủy sản.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các ngành, địa phương dự họp, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương hướng dẫn các hộ sản xuất thống kê, đánh giá thiệt hại về lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…), gửi số liệu về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trước ngày 28-11 để kiểm tra, xác nhận số liệu; gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổng hợp trước ngày 30-11. Sở NN-PTNT tổng hợp số liệu thiệt hại về nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính để dự kiến kinh phí hỗ trợ cho từng đối tượng theo đúng quy định tại Nghị định số 02 ngày 9-1-2017 của Chính phủ, báo cáo UBND tỉnh trước 2-12.
Về việc hỗ trợ cho người dân có nhà ở bị thiệt hại sau cơn bão số 12, lãnh đạo tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện như sau: đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách có nhà ở chính bị sập hoàn toàn, bị hư hỏng rất nặng và hư hỏng nặng do cơn bão số 12 gây ra. Loại công trình căn cứ theo quy định tại Thông tư số 43 ngày 23-11-2015 của liên Bộ NN-PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nhà thiếu kiên cố hoặc nhà bán kiên cố; nhà đơn sơ). Đồng thời xác định mức độ hư hỏng: nhà bị tốc mái hoàn toàn và tường nhà bị sập, đổ, hư hỏng từ 50% trở lên; nhà bị tốc mái hoàn toàn và tường nhà bị hư hỏng nhưng có thể tận dụng hoặc khôi phục lại để áp dụng mức hỗ trợ cụ thể theo quy định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Toàn tỉnh có 44 người chết, 1 người mất tích, 229 người bị thương; 2.817 căn nhà sập hoàn toàn, 115.585 căn nhà bị hư hại; hơn 300 trường học và 45 cơ sở y tế bị hư hỏng; 36.306ha cây trồng bị ngập và hư hại; hơn 370.000 gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi; 1.609 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng nặng; 35.785 lồng bè và hơn 1.750ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng và các cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề... Tổng thiệt hại ước tính hơn 14.700 tỷ đồng.
T.A (Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh)